Chốt kiểm soát tại cửa ngõ Long An không cho xe máy vào địa bàn, khiến nhiều người từ TP HCM không thể về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Sáng 25/7, hàng trăm người đi xe máy từ TP HCM về miền Tây trên quốc lộ 1, khi đến chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và huyện Bến Lức, Long An đều bị cảnh sát yêu cầu quay đầu xe dù có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Hàng dài xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc, hành lý đậu dọc hai bên đường.
Trước băng rôn “các xe con, ôtô khách, môtô không được đi qua địa phận tỉnh Long An”, một cảnh sát giao thông liên tục dùng loa nói “xe máy quay đầu về thành phố đi, không được vào Long An”.
Mệt mỏi vì phải ngồi ở vỉa hè gần chốt kiểm soát hơn hai giờ do không thể về quê, anh Trương Văn Tâm, làm nghề phụ hồ, cho biết đã làm giấy xét nghiệm Covid-19 từ hôm qua để về quê Kiên Giang tránh dịch. Dù có thể quay đầu trở lại TP HCM, anh cũng không còn chỗ ở vì đã trả nhà trọ. “Tôi mất việc đã hơn 2 tháng nay, không thể cầm cự nổi mà về quê cũng không được”, anh nói.
Éo le hơn, cả gia đình 5 người của công nhân Lê Chí Tâm, 36 tuổi, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, kẹt giữa hai kiểm soát khoảng một km của Long An và TP HCM. Do không có giấy xét nghiệm, vợ chồng anh cùng ba con 2-14 tuổi tuổi không được về quê An Giang cũng không thể vào TP HCM để trở lại Bình Dương.
Anh cho biết, sáng nay cả nhà đi từ Bình Dương đến hai Bệnh viện Quân Đoàn 4 và Bệnh viện TP Thuận An để xét nghiệm nhưng cả hai nơi này đều không làm việc. Khi anh chạy vào TP HCM thì bị các chốt ở nội thành từ chối vì không có lý do chính đáng. “Tôi muốn đưa vợ con về quê rồi cả nhà đi cách ly tập trung cũng được, chứ ở trên này tiền đâu mà ăn”, anh Tâm nói.
Theo cảnh sát tại chốt Long An, từ hôm qua, lực lượng đã siết chặt việc đi lại, chỉ cho xe công vụ, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng chống dịch; xe chở hàng hóa đã có mã nhận diện (QR code); xe đưa rước người dân về quê theo kế hoạch được ra vào thành phố.
“Nhiều người viện lý do nhà có người thân mất. Tôi nói việc đó có người ở quê lo, về cũng không giải quyết được gì mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm”, cảnh sát nói.
Cách đó chừng 30 km, tại chốt kiểm soát giáp ranh tỉnh Tiền Giang và Long An trên quốc lộ 1 ở phường Tân An, TP Tân An, khoảng trên 100 xe máy lẫn ôtô cá nhân từ các tỉnh miền Tây đến miền Đông bị chặn lại. Ngược lại, xe máy và ôtô cá nhân từ tỉnh Long An cũng không được phép sang địa bàn giáp ranh.
Bị cảnh sát từ chối cho qua chốt, ông Nguyễn Văn Chiến, 64 tuổi, cho biết được con trai chở từ Hậu Giang đến Bình Phước để làm công nhân lò gạch. Do nửa tháng trước, ông bị bệnh mắt nên về quê khám, nay đã khỏi nên tiếp tục đi làm. Ngoài ông, 6 người trong gia đình cũng đang làm công nhân tại Bình Phước.
Dù ông đã xuất trình giấy khám bệnh, cán bộ trực chốt lý giải, 19 tỉnh thành phía nam đã thực hiện Chỉ thị 16, ngoại trừ xe vận tải, xe máy và ôtô con đều không được vào địa bàn, kể cả đi qua. Cha con ông Chiến phải quay đầu xe trở lại chốt thuộc xã Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang cách đó 500 m.
Tại đây, do cả hai không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 nên cũng không được phép qua. Ông Chiến cùng con trai được hướng dẫn đến phòng khám tư nhân cách đó khoảng 100 m để test nhanh với giá 350.000 đồng một người. Sau khi có giấy xét nghiệm, cha con ông đành phải trở lại Hậu Giang.
Trả lời phóng viên, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, tỉnh chỉ cho phép xe chở hàng hóa qua địa bàn, các xe còn lại phải chấp hành để công tác phòng dịch hiệu quả. Ngoài chốt giáp ranh Tiền Giang, hôm qua, khoảng 400-500 xe máy bị yêu cầu quay đầu lại TP HCM tại chốt Bến Lức.
“Đối với những người không vào được địa bàn tỉnh, chúng tôi đã phối hợp với các chốt tại TP HCM, Tiền Giang tạo điều kiện để họ trở lại nơi xuất phát, chứ không để tình trạng người dân đi không được, về cũng không xong”, ông Tuấn nói.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, hiện tỉnh này cùng một số tỉnh ở miền Tây đã gửi văn bản yêu cầu hội đồng hương tỉnh phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa người dân về nhà. Người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương nơi ở để được hướng dẫn.
Đến nay, Long An đã ghi nhận 3.312 ca nhiễm (22 ca tử vong), đứng thứ ba trong 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sau TP HCM 58.198 và Bình Dương 7.642. Long An đang test sàng lọc trong cộng đồng lẫn công nhân công ty tại TP Tân An và 4 huyện giáp ranh TP HCM gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
Đình Văn – Hoàng Nam