Lợi thế của Việt Nam là tiền trong dân rất lớn
Trải qua giai đoạn này mới thấy Việt Nam là ngôi sao sáng trong kinh tế khu vực và thế giới. Đấy là điểm rất mạnh mà chính lúc này Chính phủ nhìn thấy và tích cực cùng các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đưa ra định hướng, chiến lược, giải pháp và kế hoạch hành động để đón nhận thế mạnh tiềm năng ấy.
Bên lề Đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Chủ tịch HĐQT SHS thân mật trò chuyện với các nhà đầu tư. Ông kể, ở tuổi gần 60, ông vẫn làm việc hết mình, họp hành đến 2-3 giờ sáng mới về nhà ăn tối. Ông Đỗ Quang Hiển hiện đang làm Chủ tịch HĐQT của 7 công ty, trong đó ngân hàng SHB nằm trong top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư hỏi “sao anh không nhường cho con trai làm, mà phải vất vả như thế”, ông Hiển cười và cho rằng: “Làm sao mà nhường ngay được, nó còn phải học hỏi, phải làm hết, tự lập hết, nó đi học nước ngoài về cũng phải tự đi làm, mà về còn bị áp lực lớn hơn, nếu không phải “con bố Hiển” thì có lẽ đỡ áp lực hơn”.
Ông Hiển đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Trí Thức Trẻ về các chiến lược của Tập đoàn T&T, một trong những “sếu đầu đàn” của Việt Nam tìm cơ hội đầu tư trong trạng thái “bình thường mới” hậu Covid-19.
* Ông nhận định triển vọng của các doanh nghiệp tư nhân đầu tàu trong năm nay như thế nào khi kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn vì Covid-19?
Ông Đỗ Quang Hiển: Mặc dù thời gian vừa qua có nhiều khó khăn, nhưng lại giúp cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp lớn, các doanh nhân có thời gian nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ, hiện tại và có định hướng cho tương lai. Chúng ta nhận định được bản thân mình thiếu gì, cần gì và phải thay đổi gì trong thời gian tới. Corona là một rào cản rất lớn. Nếu không có rào cản lớn đó thì vòng quay của doanh nghiệp cứ ào đi không biết điểm dừng.
Tuy nhiên trải qua giai đoạn này mới thấy Việt Nam là ngôi sao sáng trong kinh tế khu vực và thế giới. Đấy là điểm rất mạnh mà chính lúc này Chính phủ nhìn thấy và tích cực cùng các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đưa ra định hướng, chiến lược, giải pháp và kế hoạch hành động để đón nhận thế mạnh tiềm năng ấy.
* Các nền kinh tế khác như Mỹ, Anh họ có chiến lược để hỗ trợ và kéo các đầu tầu kinh tế lên, với nguồn lực hạn hẹp như hiện nay thì các doanh nghiệp cần nhất là gì?
Thế giới cũng phải có thời điểm rơi xuống đáy nhưng với tiềm lực của họ, họ sẽ tập trung bật lên hình chữ V. Với Việt Nam, mặc dù nền tảng dự trữ của chúng ta không có tiềm lực như các nước G7 nhưng chúng ta có một lợi thế là tiền trong dân rất lớn, Chính phủ có niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ bật lên.
Vừa rồi trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy nhưng có lực lượng F0 với nguồn vốn trong dân lớn như thế đã thay thế các nhà đầu tư nước ngoài, và thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ. Lúc này là lúc bản thân các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân cùng nỗ lực, người dân thì có cơ hội đầu tư, đặc biệt sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước tích cực đưa ra cơ chế chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển trong thời gian tới.
* Theo quan sát của ông, thì TTCK trong nửa đầu năm 2020 tăng trưởng mạnh như vậy có vượt quá thực tế đang diễn ra không, khi các chỉ số cho thấy nền kinh tế của chúng ta vẫn bị ảnh hưởng vì Covid-19?
Đầu tư chứng khoán thì tùy quan điểm, có nhà đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư dài hạn, theo tôi đánh giá nếu nhìn vào thế và lực và tiềm năng thì TTCK Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, bây giờ chưa phải đúng với xu thế và tiềm năng phát triển của VN trong thời gian tới.
* Vừa qua T&T vừa khánh thành nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn Covid thì doanh nghiệp nên co cụm để vượt qua khó khăn, nhưng tập đoàn của ông lại đẩy mạnh đầu tư, vì sao?
Không một nền kinh tế nào lên thẳng, trong kinh tế sẽ có chu kỳ hình sin, có đỉnh có đáy, không ai muốn đáy rơi sâu và luôn muốn đỉnh lên cao. Quan điểm của Chính phủ hiện nay muốn nền kinh tế hồi phục hình chữ V. Tôi cho rằng đây là thời điểm đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam đang cần, nhà đầu tư nước ngoài đang cần như năng lượng sạch, môi trường, hạ tầng, logistics.. những lĩnh vực là nền tảng thúc đẩy kinh tế trong nước cũng như thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều năm qua chúng ta quan tâm thu hút đầu tư, nhưng thu hút đầu tư cho những lĩnh vực như vậy chưa đủ do không có cơ chế chính sách thuận lợi như bây giờ. Bây giờ mới là khởi đầu vào các lĩnh vực như vậy.
* Vậy chiến lược của T&T thời gian tới ra sao thưa ông?
Trong chiến lược mình đi nhiều năm qua có cái phù hợp, có cái chưa phù hợp. Ví dụ trước đây mình có thể đầu tư dàn trải, chưa có sự tập trung, chiến lược đi chưa phù hợp trong từng giai đoạn nhưng mình vẫn chạy do chưa có thời gian tĩnh tọa để kiểm soát. Đợt Covid vừa qua là quãng thời gian để mình nhìn lại và đánh giá lại các lĩnh vực, từ đó cấu trúc lại hệ thống quản trị, con người, quy trình, hệ thống công nghệ, vận hành… nhất là vấn đề hiện đại hóa công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, AI để đón nhận tiềm năng sức bật mới, đáp ứng được tốc độ chiến lược phát triển mới trong thời gian tới.
* Năm 2020 là thời điểm Nhà nước tái khởi động quá trình thoái vốn nhà tại các doanh nghiệp nhà nước, vậy tập đoàn của ông có quan tâm không?
Việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết. Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế và tiềm năng nên các nhà đầu tư rất quan tâm đến hoạt động thoái vốn của các doanh nghiệp này.
Theo đánh giá của tôi thì khi Nhà nước có chủ trương thoái vốn tại DNNN thì đó là cơ hội đầu tư cho các DN trong nước và nước ngoài, miễn là tuân thủ đúng quy định của pháp luật, còn có cơ hội đến thì phải nắm bắt. Tất nhiên mọi thương vụ đều phải được nghiên cứu phân tích và đánh giá, phù hợp với khẩu vị của từng nhà đầu tư khác nhau. Tôi không những quan tâm mà rất quan tâm. Nếu mình làm đúng, cơ hội đến thì mình cứ làm.
* T&T vừa qua còn kết hợp với Amazon giúp các doanh nghiệp giao thương xuyên biên giới, ông có thể chia sẻ kết quả của sự hợp tác này?
Trước khi có dịch, xu thế của thế giới về thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu, lấn át dần thương mại truyền thống. Khi xảy ra dịch bệnh thì TMĐT càng quan trọng cho sự phát triển. T&T và SHB hợp tác với Amazon đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ nguồn vốn, kết nối doanh nghiệp và hộ cá thể để đem các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra thế giới qua Amazon. Trong gần 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ cá thể đưa sản phẩm của họ lên TMĐT xuất khẩu qua Amazon thành công với chi phí giảm thiểu đi rất nhiều.
Ngoài ra các hộ cá thể còn được đào tạo các nghiệp vụ giao dịch, qua đó họ trưởng thành lên và phát triển sản xuất, bên cạnh đó ngân hàng đồng hành, hỗ trợ về nguồn vốn để họ phát triển thương hiệu sản phẩm của họ, có rất nhiều lợi ích khi giao dịch qua Amazon.
* Thời gian vừa rồi các “sếu đầu đàn” như Vingroup chuyển hướng đầu tư xe hơi, Trường Hải sang đầu tư nông nghiệp, vì sao các doanh nghiệp lớn hiện nay đang chuyển hướng đầu tư ngoài ngành nhiều hơn?
Các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn lớn bây giờ phải tính đến sự phát triển nên mới mở rộng mảng đầu tư. Các tập đoàn lớn có tâm huyết cống hiến những lĩnh vực mà đất nước đang cần, người dân đang cần, trở thành các tập đoàn có thể sánh vai với với các tập đoàn lớn trên thế giới, đó là lòng tự tôn dân tộc. Ngày xưa chúng ta có những doanh nhân dân tộc (như Bạch Thái Bưởi, rất mong muốn cống hiến cho đất nước, đến giờ không nghĩ đến làm giàu cho bản thân nữa mà làm giàu cho đất nước, cho mọi người. Bây giờ làm giàu cho bản thân nữa thì có ăn uống được mấy đâu, có những hôm tôi họp đến 2-3 h sáng mới về ăn cơm, trong túi có 1 triệu có khi không tiêu hết (cười).
* Tập đoàn T&T Group đang hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Hiện tập đoàn đã mở các công ty con tại Mỹ, Đức, Nga, Australia… T&T Group cũng đang xúc tiến mở rộng đầu tư sang châu Phi, hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp như nhập khẩu điều thô, bông sợi… Vậy quan điểm của ông có ủng hộ việc mở cửa thị trường sớm không?
Nếu ở mặt kinh tế thì chúng ta rất mong muốn mở cửa sớm, nhưng nói về an ninh sức khoẻ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thì chúng ta phải có sự thận trọng trong lộ trình và kiểm soát như thế nào, phải có phương pháp kế hoạch hành động nếu mở cửa từ nước ngoài vào hay từ Việt Nam ra nước ngoài.
Rất sốt ruột nhưng phải thận trọng, nếu không may có vùng nào đó quay trở lại – đó là điều tôi không mong muốn, người dân Việt Nam không mong muốn – nhưng nếu không may xảy ra sẽ tác động đến phát triển kinh tế. Cần nhưng phải thận trọng.
* Xin cảm ơn ông.
PV/CF