Lời “hồi đáp” cho hơn 73.000 tỉ đồng vốn đầu tư công
Thông tin từ phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội TP HCM vừa qua cho hay tính đến ngày 26-4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giải ngân là hơn 5.969 tỉ đồng, chỉ đạt 7,5%.
Họp tháo gỡ mỗi tuần
Trước con số này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá chưa đạt. Ông cho hay từ nay đến cuối năm, mỗi tháng TP HCM phải giải ngân khoảng 10.000 tỉ đồng và đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ vào chương trình hành động về giải ngân vốn đầu tư công để khẩn trương hoàn thành.
Thông tin tới Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết hơn 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công thành phố đặt mục tiêu thực hiện trong năm 2024 là lớn nhất từ trước đến nay, đặt ra thách thức cho tất cả cơ quan, đơn vị trong bối cảnh những vướng mắc có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan vẫn còn.
Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp về công tác đầu tư công, 4 tháng đầu năm, Sở KH-ĐT đã tham mưu nhiều giải pháp cũng như phối hợp với các sở ngành liên quan trình UBND thành phố thực hiện một số nội dung. Điển hình như ban hành chương trình hành động về giải ngân đầu tư công; phối hợp với các sở, ngành trình thành phố sửa đổi các quy định về rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện nay, mỗi tuần, Sở KH-ĐT họp với các chủ đầu tư để rà soát tiến độ và lắng nghe các khó khăn, vướng mắc cụ thể để kịp thời trình UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, với những giải pháp Sở KH-ĐT đang thực hiện, con số tuyệt đối của thành phố thực hiện về giải ngân đầu tư công cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, để giải ngân hơn 73.000 tỉ đồng còn lại những tháng cuối năm thì cần nỗ lực rất lớn.
Giải quyết thách thức
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) là chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết nguồn vốn được giao năm 2024 cho đơn vị hơn 12.800 tỉ đồng, trong đó khoảng 2.000 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, còn lại là xây lắp. Mục tiêu đến cuối năm 2024, Ban Giao thông giải ngân 95% tổng số vốn.
Để bảo đảm kế hoạch giải ngân, Ban Giao thông bám sát tiến độ những dự án lớn đang triển khai như Vành đai 3, nút giao An Phú, nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa… Đặc biệt tập trung tìm nguồn cát san lấp cho Vành đai 3, tháo gỡ vấn đề mặt bằng dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa.
Cũng theo ông Phúc, song song đó, Ban Giao thông tích cực đẩy nhanh thủ tục đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, các địa phương tháo gỡ vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng những dự án chuẩn bị khởi công trong quý IV/2024 như đường Vành đai 2 đoạn 1 và 2, xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái… Đây là dự án có khối lượng vốn giải ngân lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý vốn Nhà nước trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Nhà nước TP HCM (HFIC) – cho rằng kích cầu trong nước là nhân tố sống còn và có yếu tố quyết định đối với cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những giải pháp để đẩy mạnh kích cầu là đưa vốn đầu tư công ra nền kinh tế.
Theo ông Hòa, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng thành phố sớm phê duyệt việc kích cầu trên cơ sở Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và Nghị quyết 09/2023 của HĐND TP HCM để triển khai các dự án đầu tư mới. HFIC và HUBA đã phối hợp thành lập tổ công tác để hỗ trợ rà soát, hướng dẫn thủ tục cho các dự án. Trong đó, chủ yếu là các lĩnh vực có nhu cầu lớn như đầu tư cho y tế, giáo dục và các dự án liên quan đến hạ tầng. “Nếu chúng ta đẩy nhanh các dự án đầu tư công trên lĩnh vực hạ tầng thì doanh nghiệp dự thầu có thể vay vốn từ nguồn vốn kích cầu này để thực hiện các dự án mà thành phố triển khai đấu thầu” – ông Hòa nói thêm.
Bảo Trâm