+
Aa
-
like
comment

Lời giải bài toán gánh nặng chi phí “đè” doanh nghiệp

Diệu Hương - 16/05/2022 16:39

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Nhiều phương đã có nỗ lực cải thiện thứ hạng trong PCI 2021 và đây cũng là năm được đánh giá tính năng động của chính quyền tốt nhất từ trước tới nay,… Tuy nhiên, vẫn còn 41,4% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là phải trả tiền “lót tay” khi thực hiện các thủ tục liên quan tới đầu tư kinh doanh. Hướng tới môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, vì sự phát triển bền vững, không thể để thực trạng “lót tay” này thành chuyện “biết rồi, nói mãi”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI năm 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

Điều tra PCI năm qua cho thấy, trong bối cảnh năm 2021 khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian, theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI cho thấy chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với doanh nghiệp như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%). Doanh nghiệp cũng thường trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Chuyện đồng tiền đi trước “lót tay” cho được việc là thực trạng lâu nay. Song với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, tình trạng tiêu cực đòi hỏi doanh nghiệp trung chi đã giảm dần qua từng năm. Nhưng con số hơn 41,4% doanh nghiệp được khảo sát năm 2021 (tức là chiếm gần một nửa) cho biết phải trả tiền lót tay là thực tế đáng suy nghĩ. Vì sao chuyện lót tay vẫn còn xảy ra phổ biến? Theo các chuyên gia kinh tế, xét nguyên nhân cũng phải từ hai phía: Cán bộ thì nhũng nhiễu hành doanh nghiệp, còn doanh chấp nhận lựa chọn cách đi tắt, hối lộ… để được việc, để tìm kiếm lợi thế kinh doanh.

Số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức giảm mạnh trong 5 năm qua, theo PCI 2020.

Trong nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo hành động liêm chính, thông điệp tinh thần kinh doanh liêm chính được đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp: Nói không với việc đưa hối lộ cho cấp chính quyền, cho các ngành, bảo vệ cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Hưởng ứng tinh thần này, tại Diễn đàn trực tuyến “Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền”, 15 hiệp hội doanh nghiệp, với hơn 13.000 thành viên đã ký vào Bản cam kết kinh doanh liêm chính, để thể hiện cam kết về sự tuân thủ, tính liêm chính và minh bạch của Doanh nghiệp, trong đó có việc nói không với lót tay, hối lộ.

Lựa chọn theo đuổi triết lý kinh doanh liêm chính không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, cho dù có cam kết. Trên thực tế, đã có những chủ doanh nghiệp kiên trì theo đuổi triết lý này và đã chứng minh thành công, đó là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà không cần đến chạy chọt. Nhưng cũng có những doanh nghiệp, những doanh nhân máu mặt, dầu nhanh, dầu sổi nhờ quan hệ, hối lộ chạy dự án. Trong số này, có doanh nhân ngã ngựa, lại cũng có những đại gia ung dung hưởng thành quả từ sự bắt tay với các quan chức, cán bộ biến chất.

Có thể thấy, hoạt động phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây đã đem lại chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giảm thiểu chi phí không chính thức vẫn là hành trình dài đối với chính quyền địa phương ở Việt Nam. Do vậy, để áp chế, loại bỏ các biểu hiện tiêu cực không lành mạnh trong cơ quan công quyền và trên thương trường, điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ công quyền; tạo dựng nhân lên trong cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần văn hóa kinh doanh liêm chính. Có như vậy, việc doanh phải lót tay chi trả nhiều chi phí không chính thức mới không phải là chuyện bình thường, đương nhiên biết rồi nói mãi nữa.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều