+
Aa
-
like
comment

Loạt ngân hàng đã “vào tầm ngắm”

Hạ Băng - 08/04/2023 16:05

MBBank, VPBank, VIB, Techcombank hay TPBank hiện là những ngân hàng thu về hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance).

Sau khi ghi nhận những vấn đề tiêu cực trong mảng bancassurance, Bộ Tài chính đã vào cuộc thanh tra một số doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng, qua đó phát hiện những sai phạm nhất định và đang hoàn tất kết luận để công bố.

Ngân hàng nào kiếm được nhiều tiền nhất qua kênh bán bảo hiểm?

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, Bộ đã tiến hành thanh tra chuyên đề về bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cho đến nay, cơ quan thanh tra đã phát hiện những sai phạm nhất định. Tuy nhiên, theo quy định, dự thảo kết luận thanh tra chưa được công bố. Cơ quan chức năng sẽ đưa ra kết luận trong thời gian sớm nhất.

Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) được hiểu là thỏa thuận giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, nhằm cung cấp các sản phẩm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng thông qua kênh phân phối của ngân hàng.

Bộ Tài chính nhận thấy, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và ít nhiều đóng góp vào tổng doanh thu thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).

Đổi lại, việc ngân hàng hợp tác với công ty bảo hiểm thông qua bancassurance đang trở thành nguồn thu quan trọng nhất với các ngân hàng ở Việt Nam. Ước tính, mức lợi nhuận thông qua kênh này có thể lên đến hàng trăm thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường hiện nay, những ngân hàng đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance là MB, VPBank, VIB, Techcombank, TPBank…

Chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng

Theo đó, báo cáo tài chính năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank – HoSE: MBB) ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 21% so với cùng kỳ (8.386 tỷ đồng), đồng thời chiếm tới 72% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (14.243 tỷ đồng).

MB hiện đang sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life, qua đó giúp doanh thu mảng này của ngân hàng này dẫn đầu hệ thống.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, doanh thu từ bảo hiểm của MBBank tăng “chóng mặt”. Năm 2019, MB thu về 4.202 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm, đến 2020 con số này đã tăng lên 5.849 tỷ đồng, năm 2021 đạt 8.386 tỷ đồng và năm 2022 là 10.185 tỷ đồng.

Đối với nhiều ngân hàng khác, bán bảo hiểm cũng đang là nguồn thu quan trọng trong các hoạt động ngoài tín dụng.

Chẳng hạn: doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) năm 2022 đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 (2.362 tỷ đồng), chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ. VPBank hiện có các chương trình hợp tác cùng Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Tương tư, năm 2022, thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – HoSE: TCB) đạt hơn 1.751 tỷ đồng, tăng 12% so với 2021 (1.558 tỷ đồng). Techcombank hiện có chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư cùng đối tác Manulife Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) ghi nhận thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. VIB phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBnak – HoSE: TPB), doanh thu và lợi nhuận từ bảo hiểm đạt 876 tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm 2021. Nhà băng này hiện phân phối bảo hiểm của Manulife và Sun Life.

Tuy nhiên, Bộ Tài Chính cho rằng, với tốc độ tăng trưởng nhanh của hoạt động bancassurance, một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã xuất hiện và được báo cáo.

Theo đó, có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ, khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.

Cũng có lúc, việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” về kinh doanh bảo hiểm, đã được quy định tại các văn bản pháp luật.

Để chấn chỉnh, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với Ngân hàng nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều