+
Aa
-
like
comment

Loạt ‘cứ điểm’ kinh doanh còn lại của ông Trầm Bê đang làm ăn ra sao?

Đông Duy - 02/09/2023 19:58

Ông Trầm Bê trở lại thương trường sau 7 năm chấp hành hai bản án hình sự. Gia đình ông từng nắm cả loạt doanh nghiệp, ngân hàng… nhưng sau nhiều biến cố, ít nhiều đã thay đổi.

Ông Trầm Bê khi còn ở Sacombank.

Ông Trầm Bê là doanh nhân người Việt gốc Hoa, quê Trà Vinh, từng khởi nghiệp với Công ty chế biến lâm sản Đông Anh. Sau đó ông lấn sang bất động sản với Công ty đầu tư xây dựng Bình Chánh và mảng y tế là Bệnh viện Triều An…

Ông Bê cũng có tiếng trong lĩnh vực chiếu xạ nông sản với Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn. Nhưng tên tuổi ông Bê có lẽ “nổi” hơn cả khi gắn liền với Ngân hàng Phương Nam và Sacombank.

Hiện vị trí, tỉ lệ sở hữu của ông Bê tại nhiều doanh nghiệp thay đổi. Nhiều công ty gia đình ông sở hữu cũng không còn đình đám như trước.

Doanh nghiệp chiếu xạ một thời “độc quyền”

Ông Bê từng là chủ tịch hội đồng quản trị CTCP Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn – đơn vị sớm nhất tại Việt Nam làm chiếu xạ, diệt khuẩn nông sản xuất khẩu.

Trên website, Sơn Sơn giới thiệu quy mô nhà máy với tổng đầu tư hơn 1.450 tỉ đồng và sử dụng công nghệ hiện đại nhất là máy gia tốc điện tử.

Giai đoạn 2002 – 2004, công ty đình đám hơn với vị thế “độc quyền” chiếu xạ trái cây đi Mỹ song đến nay không còn nữa khi xuất hiện đơn vị khác cạnh tranh.

Hiện Sơn Sơn có vốn điều lệ 1.450 tỉ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty là bà Nguyễn Thị Ánh (sinh năm 1957).

Bà Ánh không sở hữu cổ phần nào tại công ty này. Người nắm cổ phần lớn nhất là ông Trầm Trọng Ngân – con trai ông Trầm Bê với 49,55%; ông Dương Văn Út và ông Viên Vi Hiếu nắm giữ lần lượt 20,83% và 22,5%; bà Dương Thị Đẹt 12,5%…

Ông Dương Văn Út và bà Dương Thị Đẹt đều là những người xuất hiện dưới vai trò khác nhau tại các doanh nghiệp có liên quan ông Bê.

Sơn Sơn là doanh nghiệp kín tiếng nên không có nhiều thông tin về tình hình kinh doanh hiện tại của công ty. Tuy nhiên, một thông tin đáng chú ý là tổng số lao động doanh nghiệp này chỉ còn 24 người, trước là 80 người.

Sự hao hụt về nhân sự có thể được lý giải khi liên hệ với những khó khăn của các doanh nghiệp từ năm 2020, khi việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp khá nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Sơn Sơn cũng phải đối mặt sự cạnh tranh khi một công ty khác cùng lĩnh vực đã được Mỹ cho phép gia nhập chương trình chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào quốc gia này từ tháng 3-2021.

Công ty vàng bạc một thời, nay thành “nỗi niềm” của Sacombank

Một doanh nghiệp có tiếng khác của gia đình ông Trầm Bê, đó là Công ty cổ phần thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC).

NJC có vốn điều lệ 450 tỉ đồng. Trước khi bị bắt, ông Trầm Bê là phó chủ tịch hội đồng quản trị NJC.

Từng là một doanh nghiệp có tiếng trên thị trường vàng với doanh thu hàng nghìn tỉ đồng, sau đó NJC làm ăn lao dốc dần. Đến năm 2014, doanh thu chỉ còn 155 tỉ đồng và lỗ sau thuế 3,7 tỉ đồng.

Hiện cổ đông lớn của công ty là bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Trầm Bê) với tỉ lệ 11%. Ngoài ra còn có ông Dương Văn Út, Nguyễn Văn Trinh nắm giữ lần lượt 1,5% và 3,56% cổ phần.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã soát xét, Sacombank vẫn còn khoản phải thu hơn 503 tỉ đồng liên quan đến NJC.

Sacombank cho biết khoản phải thu này liên quan đến hoạt động mua bán vàng giữa NJC và Ngân hàng TMCP Phương Nam phát sinh trước khi sáp nhập được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Khoản phải thu này được Sacombank đề xuất bán cho VAMC theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và các kiến nghị của ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên cho đến ngày phát hành báo cáo (tháng 7-2023), các thủ tục bán khoản phải thu cho VAMC chưa được hoàn tất và ngân hàng đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng cho khoản phải thu này. Liên quan đến hàng chục triệu cổ phần tại NJC, Sacombank đã rao bán nhiều lần nhưng vẫn “ế”.

Một công ty khác ghi dấu ấn của ông Bê là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh. Tuy nhiên ông Bê đã rời hội đồng quản trị công ty này sau 17 năm gắn bó vào thời điểm tháng 8-2016.

Công ty này sau đó cũng hủy niêm yết từ tháng 2-2018 và sáp nhập vào Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) – một ông lớn bất động sản ở TP.HCM.

Bến đỗ hiện tại của ông Trầm Bê làm ăn thế nào?

Ông Trầm Bê thể hiện rõ vai trò của mình nhất khi trở lại thương trường là làm thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An.

Ông từng làm chủ tịch hội đồng quản trị bệnh viện tư nhân quy mô lớn này từ năm 1999 đến năm 2017. Sau đó, vị trí này do ông Trần Ngọc Henri đảm trách khi ông vướng lao lý.

Báo cáo tài chính quý 2-2023 ghi nhận doanh thu Triều An tăng nhẹ lên 148 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 23%, còn 9 tỉ đồng. Lũy kế nửa năm, doanh thu đạt 288 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 29 tỉ đồng.

Tình hình kinh doanh của bệnh viện Triều An.

Thời điểm cuối tháng 6-2023, Triều An có tổng tài sản 1.117 tỉ đồng, nợ phải trả 512 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 604 tỉ đồng. Số lượng nhân viên 724 người, tăng 5 người so với cuối 2022.

Về cơ cấu cổ đông, bà Dương Thị Đẹt là cổ đông lớn nhất chiếm 38,27% vốn, tiếp đến bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Trầm Bê) 21,42%, ông Trần Ngọc Henri 4,08%…

Con gái ông Bê hiện là phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc bệnh viện. Còn em trai ông Bê là ông Trầm Sê đang giữ vị trí trưởng ban kiểm soát.

Trong thời gian ông Bê vắng mặt, Triều An vẫn ghi nhận doanh thu đều đặn hàng trăm tỉ đồng (cao nhất năm 2022 với 591 tỉ đồng) và lợi nhuận vài chục tỉ đồng.

Riêng 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bệnh viện này lỗ 27 tỉ đồng. Đà phục hồi trở lại vào năm 2022, năm 2023 bệnh viện tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu 628 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 47,4 tỉ đồng. Sau nửa năm, Triều An đã thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều