Lò chống tham nhũng tiếp tục nóng, “củi” nào sẽ vào lò 2020
Với thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2020 sẽ là năm “lò tiếp tục rực lửa” khi hàng loạt vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử. Chắc chắn với những “đối tượng tham nhũng” trong tầm ngắm sẽ khó có thể thoát việc “pháp luật gọi tên”.
Những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục truyền đi những thông điệp cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương trong ngày cuối cùng của năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, một số vụ mới được bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý, đồng thời khẳng định công cuộc chống tham nhũng “tới đây còn tiếp tục xử lý, các đồng chí chờ xem”.
Những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực được người đứng đầu đất nước chỉ ra như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…
Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự liêm chính, trong sạch, có đủ dũng khí đấu tranh bảo vệ cái đúng, loại bỏ cái sai..
Mới đây, tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuy nhiên, không phải vì đại hội mà chùng lại không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội. Đương nhiên làm phải có phương pháp, việc nào ra việc nấy, hỗ trợ lẫn nhau. Chống tham nhũng tốt, công tác nhân sự tốt, đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong năm 2020 phải đẩy lùi tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước chỉ đạo, Ban Chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt.
Trong năm 2020 phải tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc; truy tố 23 vụ án; xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đồng thời yêu cầu các cơ quan tư pháp tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Hội sở chính BIDV và Chi nhánh Hà Thành, Chi Nhánh Hà Tĩnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng;
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên;
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”;
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.)
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/11/2019, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm: Vụ Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường Cao tốc Quảng Ngãi.
Năm 2019, đã thi hành kỷ luật trên 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cũng trong năm này, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 67 vụ án, 55 vụ việc, trong đó khởi tố mới và phục hồi điều tra 19 vụ án; đã truy tố 21 vụ án/108 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo. Đặc biệt, 10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được đưa ra xét xử sơ thẩm, trong đó có vụ AVG, vụ vi phạm đất đai tại Đà Nẵng, TP.HCM.
Hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng cao. Theo đó, đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2019, cộng với quyết tâm đưa “củi vào lò” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2020 dự kiến “lò chống tham nhũng” vẫn rừng rực lửa và nhiều “củi” sẽ tiếp tục được đưa vào lò.
Tâm Đức/KT