Liệu Việt Nam có thể thế chân Trung Quốc trên toàn cầu?
Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt Quyết định 866/QĐ-TTg về việc Quy hoạch và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 – 2030. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung khai thác “đất hiếm” một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm là 1 nhóm tổ hợp gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Chúng có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Bên cạnh đó, đất hiếm còn được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang; đồng thời, việc chế tạo các máy điện thoại di động hay ổ đĩa cứng máy tính… cũng không thể nào thiếu vắng sự có mặt của đất hiếm.
Hiện nay, Trung Quốc đang là nhà sản xuất, xuất khẩu và dự trữ đất hiếm lớn nhất thế giới. Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% sản lượng đất hiếm và là “công xưởng” chế biến về lĩnh vực này. Vậy nên, việc duy trì lợi thế đất hiếm nhiều năm liền đã đưa Trung Quốc trở thành “người cầm trịch” trên toàn cầu. Tuy nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vào hôm 3/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, kể từ ngày 1/8, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với hai kim loại thuộc nhóm đất hiếm là Gali và Germani.
Động thái này của Trung Quốc ngay lập tức đã khiến các khách hàng vốn phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và đặc biệt là Mỹ bắt đầu “giật mình tỉnh giấc” và đang loay hoay tìm lối thoát. Nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, các nước phương Tây đang tăng cường hỗ trợ thúc đẩy khai thác các khoáng sản quan trọng, gồm cả đất hiếm. Do đó, khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm đang là một “lá bài” chiến lược mà quốc gia nào dẫn đầu sẽ chiếm được ưu thế lớn trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia.
Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, đặc biệt là nguồn đất hiếm của Việt Nam từ lâu đã khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam hiện tại đạt tới 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu, trên tổng lượng thế giới 130 triệu. Kết quả khảo sát cho thấy, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Không chỉ vậy, khu vực Tây Bắc còn tồn tại rất phong phú các đá Magma kiềm và á kiềm rất giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Đặc biệt, thử làm một bài toán đơn giản này sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn. Nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD. Một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước. Đó là chưa kể, nhìn trên toàn thế giới thì tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, còn trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% mà thôi. Điều này càng khẳng định được tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.
Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì nhu cầu sử dụng đất hiếm cũng ngày càng tăng. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu về đất hiếm đã đánh thức các “kho báu ngủ quên” ở rất nhiều quốc gia và cuộc đua giữa các nước đã có dấu hiệu nóng hơn trước rất nhiều. Ai có đất hiếm thì chắc chắn sẽ có lợi thế hơn trên những bàn đàm phán. Vì vậy, quyền lực về đất hiếm sẽ đồng nghĩa với quyền lực về địa chính trị.
Vậy liệu rằng, Việt Nam có thể thế chân Trung Quốc trên thị trường thế giới khi nước này định siết chặt hơn mặt hàng đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và các đồng minh khác? Đây là 1 câu hỏi khó có câu trả lời chính xác, nhưng ở thời điểm hiện tại, đó là một cơ hội tốt nên nếu làm tốt, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng lợi về lâu dài sau này.
Lan Hoa