Liệu Việt Nam có thể soán ngôi “công xưởng thế giới” của Trung Quốc?
Truyền thông Trung Quốc những ngày gần đây đang xôn xao và lo ngại về việc xuất khẩu quý I/2022 của Việt Nam vượt xa Thâm Quyến, trung tâm xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Đặc biệt truyền thông Trung Quốc đang đồng loạt đặt ra câu hỏi lo ngại Việt Nam vượt xa Trung Quốc, khiến nước này mất đi danh hiệu “công xưởng thế giới” trong tương lai.
Theo đó, Trung Quốc hiện đang lo lắng mất đi danh hiệu “công xưởng thế giới” giữa bối cảnh các áp lực từ bên ngoài tăng lên, trong đó có thể kể đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chiến sự Ukraine. Các nhà phân tích lo ngại rằng Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc với tư cách là “công xưởng mới của thế giới”.
Theo trang South China Morning Post ngày 24/6, tranh cãi đang dấy lên tại Trung Quốc sau khi Việt Nam công bố xuất khẩu quý đầu năm 2022 đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đây, truyền thông Trung Quốc quy đổi kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 của Việt Nam thành 564,8 tỉ nhân dân tệ, vượt xa so với con số 407,6 tỉ nhân dân tệ kim ngạch xuất khẩu của thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) trong 3 tháng đầu năm.
Đồng thời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.
Dễ dàng nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, đến nay Việt Nam đã dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ.
Theo SCMP, mặt hàng điện tử và linh kiện di động là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất trên thế giới. Trong năm 2021, ngành công nghiệp này tăng trưởng khá nhanh và hiện đã chiếm thị phần 13% tổng giá trị xuất khẩu.
Sự thành công của Samsung và Intel tại Việt Nam đã kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng và mở rộng xưởng sản xuất.
Đơn cử, Foxconn – nhà lắp ráp điện thoại iPhone lớn nhất của Tập đoàn Apple cho biết sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc ngày càng xấu đi. Khi đó, Việt Nam sẽ là lựa chọn mà chính người đại diện Foxconn xác nhận từ trước.
Tương tự, cũng trong tháng 6 này, Hãng Sharp (Nhật Bản) thông tin tạm thời chuyển hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan rồi sau đó sẽ chuyển hoạt động chế tạo sang một nhà máy mới ở Việt Nam. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm nay. Theo tập đoàn này, hiện tất cả sản phẩm máy tính xách tay của Sharp đều được sản xuất ở Trung Quốc và xuất sang Mỹ khoảng 10.000 chiếc/tháng.
Không chỉ với Việt Nam, một số nước trong khu vực cũng đã kịp đón nhận làn sóng di dời nhà máy rời Trung Quốc trong thời gian qua. Pegatron là đối tác chuyên lắp ráp các sản phẩm iPad, MacBook của Apple đã đầu tư nhà máy 300 triệu USD tại Indonesia. Casio dự định sẽ chuyển mảng sản xuất đồng hồ, dụng cụ âm nhạc từ Trung Quốc sang Thái Lan…
Ngoài ra, Việt Nam cũng chính là điểm đến thu hút đầu tư dẫn đầu từ cuối năm 2021 đến nay. Năm tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng đã và đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư, trở thành công xưởng của thế giới sau Trung Quốc. Thực tế, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam cuối năm 2018, cụm từ Việt Nam là công xưởng thế giới đã được đề cập do Việt Nam có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu giá trị hơn một tỉ USD.
Hơn nữa, trang SCMP cũng nhận định với xu hướng gia tăng đầu tư mạnh từ Trung Quốc, đặc biệt việc di dời các nhà máy từ Trung Quốc vào Việt Nam đang được cân nhắc thì có thể thấy, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia trong mảng cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường khu vực và toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam có quyền nuôi tham vọng trở thành công xưởng của thế giới và điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, “những ngành công nghiệp tập trung ở Đông Nam Á chủ yếu là để để tận dụng lợi thế chi phí, và các chuỗi sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc sẽ vẫn quan trọng trong khu vực”, các nhà phân tích nói với South China Morning Post.
Còn theo ông Peng Peng, Chủ tịch Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, ở góc độ ngành hàng, Việt Nam đang là công xưởng thế giới về điện thoại di động, dệt may, chế biến cà phê, lúa gạo… Tuy nhiên, với quy mô xuất khẩu khoảng 200 tỉ USD, Việt Nam chưa thể là công xưởng của toàn cầu ngay được.
“Nhưng tiềm năng trong tương lai thì chưa thể nói tới, rõ ràng Việt Nam đang có tốc độ phát triển vô cùng ngạc nhiên. Họ rõ ràng là một quốc gia tiềm năng mà Trung Quốc cần chú ý”, ông Peng Peng nói thêm.
Theo một số chuyên gia, các ngành công nghiệp của thế giới chắc chắn sẽ tụ hội ở khu vực Đông Nam Á để tận dụng lợi thế chi phí thấp, và chuỗi công nghiệp đã được nâng cấp của Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được sức sống trong khu vực và xa hơn. Nếu muốn trở thành công xưởng thế giới, Việt Nam phải xây dựng chiến lược thu hút đầu tư theo hướng công xưởng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không phải gia công ăn lương, mà là một nền công nghiệp cao thực sự.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra vào chiều 25/6 do Thành uỷ và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai để nhà đầu tư đến đầu tư với tinh thần tất cả các bên đều chiến thắng
Theo SCMP, thời gian sắp tới, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn cho nhà đầu tư, nhưng phải xóa bỏ trong tư duy nhà đầu tư rằng, đây cũng là điểm đến để họ trút bỏ các công nghệ thải loại. Bên cạnh đó, khi nói đến dòng lưu chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam phải cẩn trọng hơn, đắn đo hơn và đưa các tiêu chuẩn thu hút đầu tư lên một tầm cao hơn.
Lan Hoa (Theo SCMP)