+
Aa
-
like
comment

Lịch sử trở thành môn học tự chọn ở THPT: Cần một giải pháp căn cơ

An Diễm - 15/04/2022 11:05

Từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn và kéo theo nguy cơ bị “loại bỏ” do đây là một môn học mà đa số học sinh đều “sợ”. Việc này đã thổi bùng lên những luồng ý kiến trái chiều ở một môn học vốn dĩ đã gây nhiều tranh cãi.

Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương. Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Trên các trang mạng xã hội đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc đưa Lịch sử vào môn tự chọn sẽ rất ít em lựa chọn bởi lâu nay học sinh vốn đã “sợ” môn Lịch sử. Như vậy trước hết cần thấy rằng bản thân môn lịch sử lâu nay đã “có vấn đề”, trở thành một môn học “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vì sao lại như vậy?

“Bỏ thì thương” – “Dân ta phải biết sử ta”

Lịch sử chắc chắn là một lĩnh vực vô cùng quan trọng cho bất kỳ quốc gia nào, bởi nó cung cấp cho người học và nghiên cứu những kiến thức về các giai đoạn đã qua của đất nước, dân tộc. Nó trả lời câu hỏi rằng một quốc gia, cộng đồng đã được hình thành như thế nào, đã sinh sống, làm ăn, chiến đấu, rồi các phong tục, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của họ ra sao. Từ đó, lịch sử truyền lại kinh nghiệm và những bài học quý cho thời đại ngày nay, góp phần củng cố tính đoàn kết, gắn bó của một cộng đồng. Việc này đặc biệt quan trọng ở một quốc gia như Việt Nam vốn thường xuyên phải đối mặt với các cuộc đấu tranh để giữ nước và dựng nước, và tấm gương anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước là một di sản tinh thần cực kỳ quan trọng.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) trong giờ học ngoại khóa môn sử – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bác Hồ từng nói “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trên mạng xã hội, một bác Cựu chiến binh Giải phóng miền Nam tên Nguyễn Thanh Tuấn dùng chính 2 câu thơ này để chỉ trích mạnh mẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bác này cho rằng việc “bỏ môn sử” sẽ vô tình hay cố ý tiếp tay cho những kẻ xét lại lịch sử. Chỉ trích của bác Tuấn không hoàn toàn vô lý, vì mới chỉ cách 7 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có ý định để môn Lịch sử tích hợp với các môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc, và bị dư luận phản đối gay gắt.

Thạc Sĩ Nguyễn Viết Đăng Du – Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) khi đó từng nhận xét: “Lịch sử là một môn khoa học, nếu chỉ là những chuyên đề thì chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa, có cũng như không. Lịch sử là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục truyền thống, tức là giáo dục liên quan đến nhân cách, đạo đức của một công dân. Thử hỏi một công dân không biết gì về lịch sử nước Việt, không tự hào về truyền thống dân tộc, không có ý thức mình là công dân Việt Nam, liệu có ổn không? Lấy ví dụ đơn giản, khi kêu gọi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu không có ý thức về truyền thống, họ có đi không hoặc đi nhưng với tâm thế nào?”

Trả lời các quan ngại này, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình rằng không hề có ý định bỏ môn sử. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho biết theo chương trình mới, giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản xuyên suốt từ lớp 1-9. Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Cấp THPT, Chương trình môn Lịch sử là dạng chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Các giải trình trên của Bộ chắc chắn sẽ không làm an lòng dư luận vốn luôn cho rằng sử là môn bắt buộc, không thể bỏ qua dù trong bất kỳ giai đoạn nào, và cấp THPT với 3 năm học không có sử là quá dài. Thế nhưng có một thực tế là lâu nay “môn học lịch sử” luôn là một gánh nặng cho các học sinh, và Bộ luôn phải chịu áp lực của việc giảm tải.

“Vương thì tội” – Vì sao học sinh thường sợ lịch sử?

Cách đây 1 năm khi dịch bệnh Covid-19 còn hoành hành nghiêm trọng tại Việt Nam, học sinh phải học online tại nhà và điều này đặc biệt gây khó khăn cho các em cuối cấp, nhất là lớp 9 đang thời kỳ ôn thi lên lớp. Trên một số diễn đàn, nhiều bậc phụ huynh kiến nghị bỏ thi môn lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 để giảm gánh nặng, có người cho rằng môn lịch sử không quan trọng và không thi cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Năm 2013, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo không thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, các học sinh ở một trương THPT tại TP. HCM đã vui mừng tới mức cùng tập trung xé và ném đề cương ôn tập lịch sử trắng xóa cả sân trường. Không khó lý giải “niềm vui” này nếu nhìn lại nhiều năm qua, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT cả nước thì Lịch sử luôn là môn có kết quả “đội sổ” với nhiều điểm liệt nhất.

Giờ học môn Lịch sử tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Sự “kinh hoàng” của môn lịch sử nằm ở chỗ đây là môn học nổi tiếng với việc bắt học thuộc, thuộc từ tên sự kiện, diễn biến, ngày tháng cho tới cả những nhìn nhận đánh giá rút ra. Cách dạy gò bó này khiến đa số học sinh cảm thấy khó hiểu, không biết tư duy thế nào, không khơi dậy được niềm yêu thích và cảm hứng của các em. PGS-TS Hà Minh Hồng – Trưởng bộ môn lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHxh&NV TP.HCM từng đưa ra nhận xét rằng: “Lịch sử luôn mang danh là môn phụ, học thuộc, lúc thì được chọn lúc bị rút ra khỏi các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chương trình học và thời gian dạy thì bị khống chế và lâu dần triệt tiêu sự sáng tạo của cả người dạy và học, lâu dần sẽ chán”.

Về nội dung, lịch sử Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng, từ lịch sử văn hóa xã hội, lao động sản xuất, phát kiến, văn học nghệ thuật, bảo vệ tổ quốc…. Thế nhưng nếu nhìn vào chương trình trong các sách lịch sử hiện nay thì có vẻ các nhà giáo dục quá chú trọng vào nội dung vệ quốc, nói nôm na là các cuộc chiến dựng nước và giữ nước. Những thông tin về tên các vị vua, phong tục, tập quán thì quá ngắn, trong khi viết về các cuộc chiến tranh thì quá nhiều, quá dài. Và dưới yêu cầu “giáo dục về lòng yêu nước” thì đây tất yếu trở thành những nội dung bị buộc phải có định hướng, trở thành tuyên truyền. Nguyên nhân của việc này trước hết là vì trong lịch sử người Việt, chúng ta phải đối mặt với quá nhiều cuộc chiến. Nguyên nhân khác là vì tư liệu lịch sử do các thế hệ người Việt viết ra còn rời rạc, thiếu và yếu. Nhưng nguyên nhân sâu xa có lẽ xuất phát từ triết lý giáo dục, cách dạy và học môn lịch sử.

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo gây xôn xao dư luận với đề xuất để môn Lịch sử tích hợp với các môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Điều này cho thấy chính các nhà quản lý cũng “ngầm” thừa nhận rằng lâu nay các nội dung trong môn học lịch sử chủ yếu thiên về phục vụ việc giáo dục lòng yêu nước, “vệ quốc”. Điều này phản ánh một thực tế trớ trêu là trong khi giới trẻ không hề quay lưng với lịch sử, yêu truyền thống và tự hào về dân tộc nhưng họ không thể “kham” nổi môn học lịch sử với những nội dung bắt buộc phải học thuộc để “không được sai một chữ”.

Tư duy dạy hay truyền đạt lịch sử hiện nay cũng ảnh hưởng đến cả lĩnh vực phim ảnh, khi mà các phim lịch sử nước ngoài, nhất là của Trung Quốc thường hay, hấp dẫn nhưng phim Việt Nam làm về lịch sử thì chẳng có mấy ai xem. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hãng phim truyện Việt Nam cho ra mắt khán giả bộ phim tài liệu “Sống cùng lịch sử” với kinh phí 21 tỷ đồng nhưng không bán nổi dù chỉ 1 vé! Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến cho rằng phim quá sa đà vào mục đích tuyên truyền lịch sử, hãng làm phim phải theo chỉ đạo do đây là phim đặt hàng. Vấn đề khác cũng được nhắc đến là khi nói về lịch sử vẫn còn sự e dè, “cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, trải qua mấy cuộc kháng chiến, với một đất nước non trẻ thì sai lầm là tất nhiên” nhưng chúng ta “chưa minh bạch với quá khứ”.

Như vậy có thể thấy “thế khó” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi mà nội dung môn lịch sử bị nhồi nhét quá nhiều những thông tin “vệ quốc” vốn mặc định phải theo định hướng, trong khi thiếu quá nhiều những thông tin đời thường hơn như văn hóa, xã hội, lao động, chữ viết, phong tục… vốn hoàn toàn có thể tưởng tượng, sáng tạo để kích thích người học. Trong khi đó Bộ luôn chịu sức ép từ phụ huynh, học sinh và xã hội phải “đổi mới dạy học” hàng năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có tâm huyết nhưng vẫn cần giải pháp căn cơ hơn

Không khó để lý giải ý đồ “giảm tải” trong chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình môn sử từ lớp 1 đến lớp 9 nhẹ nhàng và đa dạng hơn thì vẫn được giữ lại làm môn bắt buộc, trong khi các nội dung lịch sử cấp THPT vốn nặng nề và “chuyên sâu” hơn thì được chuyển thành môn tự chọn để “lọc” ra những học sinh thực sự yêu thích và định hướng chuyên ngành xã hội. Với việc chưa có nhiều thay đổi trong nội dung môn học lịch sử thì đây rõ ràng là một giải pháp dành môn sử cho những học sinh thực sự thích sử, trong khi giảm tải cho những học sinh khác vốn học chỉ để đối phó qua loa.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018.

Chương trình này đã được thực hiện phù hợp với Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ yêu cầu đối với chương trình GDPT mới như sau: “Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.”

Khía cạnh tích cực của chương trình này là giúp các học sinh có thời gian đầu tư cho môn học mà họ thực sự yêu thích, phát huy thế mạnh của bản thân. Các nhà khảo cổ hay sử học nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên ngành khác như vật lý, hóa học… thì cũng không thể thu được các bằng chứng lịch sử có giá trị. Như vậy thì bớt đi những người học đối phó biết đâu cũng có thể gián tiếp mang lại lợi ích cho môn học lịch sử. Với sự phong phú và sức hấp dẫn của mình thì chắc chắn môn học này không bao giờ bị bỏ rơi.

Nhưng bên cạnh giải pháp giảm tải “cơ học” nói trên, các nhà giáo dục cũng cho rằng vấn đề lớn nhất là nhà trường, giáo viên phải thay đổi cách dạy học để các em có thêm đam mê với môn học này. Cách chấm thi và đánh giá cũng cần thay đổi, thiên về suy luận hơn chấm điểm theo kiểu ép học sinh phải học thuộc. Cần suy nghĩ giải pháp để vẫn giáo dục lòng yêu nước, yêu lịch sử nhưng không sa đà vào nhồi nhét, tuyên truyền. Khi nhận xét về bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã nói ở trên, một khán giả nhận xét rằng phim có các cảnh quay tương đối ổn nhưng về mặt nội dung thì “đáng tiếc là kịch bản bỏ qua rất nhiều tình tiết lẽ ra có thể khai thác sâu và hay hơn. Có lẽ vì mục đích tuyên truyền mà phim đã “tham” quá nhiều chi tiết và sự kiện”. Phải chăng các sách lịch sử hiện nay cũng cần lọc ra các nội dung cần khai thác sâu hơn và những nội dung nào cần bỏ bớt?

Một nhà giáo cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam rất nên có những thay đổi về nội dung chương trình để đưa Lịch sử đến gần, đầy đủ hơn với mọi thế hệ học sinh, sinh viên. Về nội dung đưa các sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa, GS Sử học đáng kính, Vũ Dương Ninh cho rằng, “nhất thiết phải đề cập đầy đủ vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và đòi hỏi của xã hội”. Ngoài ra, trong sách lịch sử cũng cần nêu những sai lầm của người lãnh đạo ở mỗi thời kỳ để nhắc nhở các em sau này lớn lên không vấp lại những sai lầm mà quá khứ cha anh đã mắc phải. Công khai thành công và thất bại không chỉ là sự công bằng, khách quan và trung thực với lịch sử. Người dạy và người học sẽ hứng thú hơn nhiều so với thông tin một chiều.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều