Lịch sử có phải là môn học bắt buộc và quan trọng đối với thế giới?
Hiện tại ở Việt Nam, vấn đề dạy và học môn lịch sử vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi do quá nhiều ý kiến trái chiều về tầm quan trọng của môn học này. Vậy trên thế giới, các quốc gia đánh giá như thế nào về môn học này, và liệu môn học này có được coi trọng trong chiến lược phát triển nhân lực của chính phủ các nước hay không?
Trong bài viết này, Cánh Cò xin phép được đề cập đến việc dạy và học môn lịch sử tại một số quốc gia có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản… Theo đó, tại các quốc gia phát triển, lịch sử không những là môn học khoa học cơ bản mà còn là một phương thức đặc biệt để giáo dục nhân cách, nâng cao tinh thần dân tộc và ý chí chiến đấu cho người dân.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, lịch sử có một vị trí quan trọng trong trường phổ thông và được thực hiện ở cả ba cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Trong chương trình học hiện nay tại Nhật Bản, lịch sử được bắt đầu từ lớp 3 trong môn Nghiên cứu xã hội. Đây là môn học có tính tổng hợp cao, bao hàm trong nó cả lịch sử, địa lý, công dân… Theo chính phủ Nhật Bản, mục tiêu của môn học này là nhằm “làm cho học sinh có hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục hiểu biết và tình yêu đối với lịch sử và lãnh thổ nước, giáo dục nền tảng phẩm chất công dân cần thiết với tư cách là người xây dựng nên quốc gia-xã hội hòa bình dân chủ và sống trong cộng đồng quốc tế”.
Bắt đầu từ tháng 4/2022, các trường trung học trên khắp Nhật Bản đã giới thiệu một môn học bắt buộc mới, kết hợp lịch sử Nhật Bản và thế giới, thay đổi cơ bản cách dạy cả hai môn học. Mục đích của việc kết hợp này là để học sinh có được “khả năng nắm bắt sâu rộng và tương tác”, đồng thời phát triển các năng lực như khả năng hiểu lịch sử, khả năng điều tra và tổng hợp thông tin lịch sử thuộc nhiều loại khác nhau, ý thức về bản sắc Nhật Bản, tình yêu lịch sử Nhật Bản, và nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quốc gia khác và nền văn hóa.
Bậc học Trung học phổ thông Nhật Bản kéo dài 3 năm. Giáo dục lịch sử ở cấp THPT được thực hiện trong môn giáo khoa có tên Lịch sử – Địa lý. Đối với phân môn Lịch sử trong môn giáo khoa này, nó được phân chia thành 4 môn học nhỏ cho học sinh lựa chọn tương ứng với năng lực và nguyện vọng của bản thân là Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B. Trong đó học sinh bắt buộc phải chọn một môn Lịch sử thế giới và một môn Lịch sử Nhật Bản.
Mỹ
Bắt nguồn từ những bất ổn xã hội trong thập niên 1960, xoay quanh sự xung đột về các giá trị văn hóa trong xã hội Mỹ mà nguyên nhân là do thiếu hụt những hiểu biết về lịch sử, hàng loạt dự án đã được thực hiện trong những năm 1960 – 1970 nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông. Việc giảng dạy môn Lịch sử đã được tăng cường về nội dung, về số lượng giờ dạy và phương thức giảng dạy tại các trường học ở Mỹ.
Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001, dư luận cho rằng những hiểu biết của người dân Mỹ về lịch sử thế giới, đặc biệt là khu vực ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu còn quá ít ỏi.
Chuyên gia giáo dục kiêm phóng viên BBC News, Mike Baker cho rằng: “Sự kiện 11/9 bỗng chốc đã buộc chúng ta thấy được sự cần thiết phải tăng cường hiểu biết về lịch sử những khu vực khác nhau trên thế giới cũng như phải hiểu về lịch sử tôn giáo, lịch sử văn hóa và chính trị, những vấn đề mà trước đây chúng ta đã không chú ý đúng mức. Đây là lúc chúng ta nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của môn lịch sử trong nhà trường. Lịch sử là môn học cung cấp cho chúng ta kiến thức cơ sở để hiểu thế giới hôm nay”.
Sau cải cách giáo dục vào cuối thập niên 1980, Trung tâm quốc gia về Lịch sử trong các trường phổ thông (National Center for History in the Schools – NCHS) được thành lập năm 1988 nhằm mục tiêu tăng cường năng lực giảng dạy và học tập môn lịch sử cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông.
Để nâng cao kiến thức lịch sử cho giới trẻ, Bộ Giáo dục Mỹ đã hỗ trợ việc thực hiện các dự án nhằm tăng cường việc giảng dạy và giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông. Dự án “Ngày lịch sử dân tộc” (National History Day- NHD) do GS. Cathy Gorn, Đại học Maryland tiến hành là một trong số những dự án nêu trên.
Đặc biệt hơn, với sự tài trợ của Chính phủ, hàng loạt các hội thảo, các chương trình đào tạo giáo viên được thực hiện, học sinh được khuyến khích lựa chọn và thực hiện các đề tài về lịch sử dân tộc; các trường phổ thông được tăng cường thiết bị dạy học, nguồn tài liệu dạy và học lịch sử, thiết kế các trang web về lịch sử…
New Zealand
Trò chuyện với các học sinh tiểu học hôm 17-3 tại Trường Sylvia Park ở TP Auckland, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, nói việc đưa các bài học lịch sử vào chương trình học bắt buộc từ năm 2023 sẽ là một trong những niềm tự hào lớn nhất của bà. Theo hệ giáo dục phổ thông 13 lớp của New Zealand, việc bắt buộc học lịch sử được áp dụng từ lớp 1-10, từ lớp 11-13 lịch sử trở thành môn tự chọn.
Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh: “Việc học lịch sử, am hiểu lịch sử đối với toàn thể người dân từ trẻ em đến người già chính là niềm tự hào lớn nhất của New Zealand”.
Để có chương trình học sử bắt buộc cho các học sinh từ lớp 1-10, các nhóm làm sách giáo khoa tại New Zealand đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ hơn 4.000 người và phải xử lý tương đối thỏa đáng những vấn đề còn gây tranh cãi về nội dung chương trình. Mục đích của việc này là nhằm đưa những thông tin, những nội dung chính xác và thiết thực nhất đến các em học sinh.
Nga
Ngày 19/4/2022, Bộ Giáo dục Nga thông báo kế hoạch sẽ yêu cầu dạy môn lịch sử từ lớp 1 để tăng cường giáo dục “lòng yêu nước” cho các em học sinh từ 7 tuổi, thay vì bắt đầu học môn sử bắt buộc từ lớp 5 như hiện nay. Theo trang Moscow Times, Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergei Kravtsov cho biết các bài học lịch sử không được giảng dạy riêng biệt mà sẽ được tích hợp thêm vào các nội dung đã có của chương trình học hiện hành.
Canada
Việc học lịch sử ở Canada xuất phát từ chính nhu cầu và mong muốn của mọi người dân. Theo người dân, học lịch sử sẽ giúp mọi người hiểu về những thay đổi hiện tại và tương lai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người như thế nào và những nguyên nhân liên quan.
Theo giới trẻ Canada, học lịch sử khuyến khích thói quen tư duy vốn rất quan trọng để tạo dựng trách nhiệm về hành vi chung, dù là một nhà lãnh đạo quốc gia hay cộng đồng, các cử tri có hiểu biết, một người khởi kiện, hoặc đơn giản một quan sát viên. Bởi vậy, xuất phát từ nguyện vọng học môn lịch Sử của người dân, chính phủ Canada rất quan tâm và chú trọng đầu tư cho môn học này.
Chính phủ Canada đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường kiến thức lịch sử cho học sinh trong nhà trường nói riêng và cho công dân Canada nói chung, trong đó có việc kiểm tra kiến thức lịch sử bắt buộc đối với những người nhập cư muốn trở thành công dân Canada. Theo Luật nhập cư của Canada, những người muốn có quốc tịch Canada phải trải qua bài thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị – xã hội và lịch sử văn hóa Canada từ 1867 đến nay.
Ở Canada, học sinh lớp 10 hiện nay bắt buộc phải học lịch sử Canada; còn lớp 11, 12 là tự chọn trong số các môn khoa học xã hội. Thực tế cho thấy, các nhà hoạch định chính sách Canada đã có nhiều nỗ lực trong việc nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử cũng như tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử trong nhà trường nói riêng và trong xã hội nói chung. Những phân tích nêu trên cho thấy lý do vì sao môn Lịch sử được coi trọng, được nhìn nhận đúng với vị trí của nó trong nền giáo dục tiến tiến hàng đầu thế giới này.
Lan Hoa