+
Aa
-
like
comment

Lên đỉnh núi nhìn xa…

An Diễm - 20/09/2022 11:20

Không ít lần trong các cuộc họp Quốc hội, dù trực tiếp hay gián tiếp, các đại biểu đều nhắc đến mục tiêu làm sao để đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đuổi kịp bè bạn quốc tế. Đất nước là tập hơn của gần 100 triệu đồng bào, sự phát triển của mỗi cá nhân là không đồng đều, vậy làm sao để tập hợp ấy đi được nhanh nhất và xa nhất có thể?

“Trèo lên ngọn núi cao không phải để mọi người nhận ra mình là ai, mà là để mình nhìn thấy đất nước, quê hương, nhìn thấy thế giới để mà cố gắng”.

Câu trả lời là phải xuất phát từ một động lực đúng đắn. Trong cuộc đời, ai cũng có tham vọng với nhiều mục đích khác nhau và lấy đó làm động lực phấn đấu, nhưng không phải ai cũng đi được xa. Nhiều người khi đạt được một thành quả nào đó về vật chất và thành tích thì ngay lập tức dừng lại do đã thỏa mãn về cá nhân. Một số người khác thì đi được xa hơn do nhắm đến mục đích cao hơn, xa hơn, nhằm mang lại giá trị cho gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Người có mục đích cao cả thì chắc chắn sẽ có khả năng leo được đến đỉnh cao.

Trong lĩnh vực khoa học, chúng ta thường thấy các nhà khoa học không ngừng phấn đấu, nghiên cứu nhằm chinh phục các đỉnh cao và cống hiến cho nhân loại. Trong lĩnh vực kinh doanh, những người thành công là người mang lại được giá trị nhiều nhất cho cộng đồng và xã hội. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết, “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp / Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” để nói về những ước mơ vụn vặt và tủn mủn.

Trong buổi trao đổi với thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ: “Mang cờ cắm lên trên đỉnh núi, không phải mục tiêu là để cho tất cả mọi người nhìn thấy mình, mà quan trọng là để cho mình nhìn thấy đất nước, nhìn thấy tất cả mọi người. Trèo lên ngọn núi cao không phải để mọi người nhận ra mình là ai, mà là để mình nhìn thấy đất nước, quê hương, nhìn thấy thế giới để mà cố gắng“.

“Leo lên đỉnh núi” là hình ảnh ẩn dụ cho những cố gắng học hỏi, phát triển bản thân để đạt đến những mục tiêu, những đỉnh cao tri thức mới. “Ngắm nhìn đất nước và thế giới” là cách nhìn nhận về đất nước, thế giới, khi đã có kho tri thức phong phú. Người học không chỉ có thêm nhiều hiểu biết thú vị mà còn mở mang được tầm mắt, có những nhìn nhận đúng đắn. Người có mục đích cao cả, biết phấn đấu vì đất nước chắc chắn sẽ có triển vọng tươi sáng, và không bị đè nát bởi những “giấc mơ con”.

Từ xưa tới nay, núi cao là cảm hứng kỳ vĩ của con người, của tầm vóc vượt lên chiều kích thức bình thường từ non thiêng Yên Tử đến thanh khiết Côn Sơn. Việt Nam đã một thời được thế giới vinh danh trong phong trào giải phóng dân tộc và ngày nay là sự ngưỡng mộ về xuất khẩu nông sản. Nhưng Việt Nam vẫn còn bên này dốc của đỉnh vinh quang “Dân giàu nước mạnh”. Nhân dân đang chờ trông, những nhân tài có cảm hứng lớn làm nên những cuộc đổi thay lớn, mang tầm núi sông để làm nên những thay đổi long trời lở đất, ghi danh Việt Nam vào bản đồ cường quốc, dân giàu, xã hội phồn vinh.

Những người hoài nghi nói rằng, “cân đẩu vân” là chuyện hoang đường, làm gì có chuyện đứng trên mây. Nhưng bậc hiền triết, những bậc vì Dân thì giản dị, con người không thể đứng trên mây, nhưng cứ leo lên đỉnh núi thì chắc chắn mây sẽ dưới chân mình.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều