+
Aa
-
like
comment

Lễ dâng hương trước kỳ thi học sinh giỏi, giáo dục hay phản giáo dục?

Hạnh Phúc - 20/02/2023 11:05

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được các nhà trường tổ chức cho học sinh hàng năm trong những ngày lễ lớn là hoạt động mang tính giáo dục. Dâng hương với mục đích xin khấn may mắn trước những kỳ thi nếu cũng do nhà trường tổ chức thì liệu rằng bài học giáo dục nào đang được trao gửi đến thế hệ tương lai?

Lễ dâng hương trước kỳ thi học sinh giỏi, giáo dục hay phản giáo dục?

Như một lẽ thường, tấm lòng thành kính tri ân đối với các bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã bồi đắp lên truyền thống của quê hương xứ sở, luôn được lớp lớp cháu con thể hiện qua các lễ dâng hương. Quyện trong làn khói mỏng là những lời thì thầm khấn vái nguyện xin cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách rời với con cháu. Tất cả liên kết một mạch bền chặt thủy chung. Dâng hương vì lẽ đó mà thiêng liêng và trọng đại.

Nhà trường tổ chức cho học sinh lễ dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa là hoạt động cần thiết với ý nghĩa giáo dục truyền thống. Đáng buồn thay hoạt động dâng hương lại biến tướng theo các mục đích thực dụng và phản giáo dục. Đơn cử, trước kỳ thi học sinh giỏi nhà trường tổ chức cho học sinh đến dâng hương tại đền thờ mang tên anh hùng hoặc danh nhân theo tên của trường. Học sinh trường Nguyễn Trãi sẽ dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi. Học sinh trường Chu Văn An sẽ đến dâng hương tại đền thờ mang tên của “vạn thế sư biểu”…

Hoạt động dâng hương, thờ cúng anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thường được thực hiện theo phong tục cổ truyền thường vào ngày lễ lớn, ngày rằm, ngày kỵ giỗ. Việc dâng hương trước kỳ thi là phản khoa học và việc nhà trường (trong vai trò là một tổ chức giáo dục) cho học sinh thực hiện thành một hoạt động là phản giáo dục. Dù không hoàn toàn phủ nhận tư duy “Người kết nối linh thiêng vào đời” vẫn còn đó những điểm tựa tâm linh tinh thần mạnh mẽ, nhưng đối với học sinh cần được khẳng định việc thành bại trên nền tảng khoa học. Để các em biết rằng chỉ có trí tuệ và khoa học mới thực sự mang đến chiến thắng trong trường thi. Không chỉ vậy, không thể dựa vào sự phù trợ mà chính nỗ lực cá nhân mới là yếu tố quyết định trong mọi nẻo đường đời. Từ nỗi lo “học tài thi phận” rồi sinh ra hoạt động dâng hương khấn vái vừa vô nghĩa vừa không mang tính giáo dục. Trách nhiệm của tổ chức giáo dục là nhà trường ở đâu trong hoạt động dâng hương phản giáo dục này?

Câu chuyện Sở giáo dục đào tạo Hà Nội tổ chức “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi” trước đây đã từng khiến dư luận dậy sóng. Sự sai sót trong câu từ này đã nhận lại rất nhiều ý kiến trái chiều. Mở rộng hơn là hoạt động dâng hương vô lý này xã hội đa phần phản đối. Giáo dục trước nhất là trên nền tảng khoa học và những giá trị nhân sinh tích cực từ các hoạt động được tổ chức cho học sinh. Dâng hương xin khấn trước kỳ thi nếu thực hiện từ tư cách cá nhân học sinh với niềm tin vào sự linh thiêng của người từ quá khứ, nói cho cùng cũng đơn thuần và giản đơn như lẽ thường vẫn thấy. Nhưng một khi nhà trường đứng ra tổ chức hoạt này cho học sinh trước ra quân trong các kỳ thi lớn là cả một vấn đề phi giáo dục và vô nghĩa.

Dâng hương để xin phù hộ chứng giám trước các kỳ thi học sinh giỏi đã đến lúc cần dừng lại. Hoạt động vượt ngoài ý nghĩa tri ân tưởng niệm này không được xã hội đồng tình. Nên chăng hoạt động dâng hương nên tổ chức cho học sinh sau kỳ thi để báo cáo tổ tiên trước những thành tựu của cháu con đời sau đạt được. Từ nghi thức dâng hương, dâng trái ngọt hoa thơm, dâng lòng thành phấn khởi các em sẽ hiểu hơn về trách nhiệm bản thân đối với việc giữ gìn phát huy truyền thống.

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều