Lấy lại niềm tin, tình thương yêu của nhân dân
‘Chúng ta phải giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân’, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành phần cuối bài phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 11 để nói về công tác cán bộ. Và hơn một lần ông nhấn mạnh việc “củng cố” và “lấy lại” niềm tin, tình thương yêu, quý trọng của nhân dân đối với Đảng.
Chiều 12.10, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, hội nghị cơ bản tán thành những nội dung, vấn đề được trình bày trong các dự thảo báo cáo, tờ trình, đồng thời cũng đóng góp, gợi mở, cho nhiều ý kiến quan trọng, nhất là những vấn đề lớn và còn có ý kiến khác nhau. T.Ư yêu cầu phải nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của Đại hội XIII của Đảng khi đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. “Phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về văn kiện và nhân sự để Đại hội thành công tốt đẹp, thật sự là Đại hội đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Giải quyết quan hệ giữa quy luật thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016 – 2020), nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, T.Ư yêu cầu phải thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan. Theo đó, nhìn tổng thể, sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, song vẫn còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình, dự báo đúng tình hình đất nước và xu thế phát triển của thế giới trong thời gian tới, chúng ta sẽ có điều kiện để xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông nhấn mạnh phải nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…
Không chủ quan, thỏa mãn với kết quả KT-XH 2019
Về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong 9 tháng năm 2019,
KT-XH nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm 2019 có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, trong đó nổi bật là: tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, ước đạt trên 6,8%, quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỉ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người; nợ công giảm mạnh, xuống mức 55% GDP; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt trên 70 tỉ USD; xuất khẩu ước tăng khoảng 8% so với năm 2018…
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả, thành tích đã đạt được; trái lại, phải tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 – 2020, năm sau phải tốt đẹp hơn năm trước.
Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu đặc biệt quan tâm những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như: đổi mới, hoàn thiện thể chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn để triển khai xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công…
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh phải phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm đã có được trong nhiệm kỳ khóa XII, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Từ đó, T.Ư yêu cầu tiếp tục kiên trì, quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thông qua Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 11
Theo thông tin từ Văn phòng T.Ư Đảng, ngày 12.10, Hội nghị T.Ư lần thứ 11 đã bế mạc sau 6 ngày làm việc. Trong ngày làm việc thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư đã nghe báo cáo một số tình hình về công tác đối ngoại nổi bật thời gian gần đây. Buổi chiều, Ban Chấp hành T.Ư nghe các ủy viên Bộ Chính trị thay mặt Bộ Chính trị đọc các báo cáo tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị về ý kiến thảo luận của T.Ư đối với các dự thảo báo cáo đã được thảo luận tại hội nghị. Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII.
Đau xót nhưng không có cách nào khác!
Liên quan tới công tác cán bộ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành T.Ư đã bầu bổ sung 4 ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư; đồng thời xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa X, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và Trương Minh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, 14 nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 1 nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh. Trong đó, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng (Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, Ban Cán sự Đảng Bộ TN-MT, Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Ban Thường vụ Đảng ủy ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).
“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và đề nghị các ủy viên T.Ư và mỗi cán bộ đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
(Theo Thanh Niên)