Thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động. Độ bao phủ vaccine đang được mở rộng rất nhanh, góp phần giảm tác động từ đại dịch Covid-19 lên thị trường lao động. Đó là những điều kiện căn bản cho tiến trình khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tiễn, trực diện, nan giải nhất trong tiến trình này là nguồn lao động và năng suất lao động thực có, tức là chất lượng, kỹ năng, nguồn nhân lực. Vậy đâu là lời giải cho bài toán này trong bối cảnh hiện tại?
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định vào năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến là 5,7%, tương ứng với 205 triệu người thất nghiệp, vượt qua mức 187 triệu người của năm 2019. ILO dự báo việc làm của khu vực ASEAN sẽ phục hồi chậm do tác động nặng nề mà đại dịch Covid-19 gây nên.
Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm. Dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu của thị trường lao động, khi mà trước đó sự “dễ dãi” nới lỏng các tiêu chí về kỹ năng, trình độ… để tuyển cho đủ người làm việc, thậm chí không cần bằng cấp, không cần tay nghề cũng sẽ được tuyển dụng vào đào tạo dần. Điều này khiến cho số người bị mất việc làm không dễ tìm được việc làm mới thích hợp, doanh nghiệp tuyển lao động thực sự đòi hỏi chuyên môn thì cũng không tìm ra.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết thị trường lao động là giải pháp góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng lao động giúp doanh nghiệp phục hồi, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khẳng định: Kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trường nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, theo thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam mới chỉ có 64,5% lực lượng lao động đã qua đào tạo. Trong đó, lực lượng lao động đào tạo có trình độ sơ cấp là 4,7%, trung cấp là 4,4%, cao đẳng là 3,8%, đại học trở lên là 11,1%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta rất thấp, cụ thể là 75,9% dân số trong độ tuổi lao động chưa được qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật.
Thống kê năm 2020 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cũng cho thấy, trong số 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc có đến 94,78% lao động qua đào tạo. Trong đó, đại học trở lên chiếm 66,7%, cao đẳng chiếm 15,82% và trung cấp chỉ chiếm 6,72%. Các tỷ lệ này tập trung chủ yếu ở các ngành: tài chính – ngân hàng, kế toán kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản lý điều hành và marketing – quan hệ công chúng. Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Cụ thể tỷ lệ này là 5,22%, sơ cấp – công nhân kỹ thuật là 5,67%.
So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, lao động của Việt Nam chủ yếu có kỹ năng trung bình và chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực là 53,88%, lao động có kỹ năng cao ở nước ta chiếm tỷ lệ thấp 25,25%. Trong khi đó, Singapore là quốc gia có tỷ lệ lao động có kỹ năng cao nhất khu vực, chiếm 58,69%, tiếp theo là Lào, Brunei, Malaysia. Như vậy mặc dù có nguồn lực lao động trẻ và dồi dào, nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta còn rất thấp.
Trong khi đó, thị trường việc làm đang chứng kiến những nhu cầu gia tăng mạnh ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng phù hợp với bối cảnh hiện tại như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng… Bên cạnh đó, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. Do vậy, để tận dụng được tối đa các cơ hội này, chất lượng nguồn nhân lực phải được coi là một bài toán cần ưu tiên và cần có các giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động, nâng cao năng lực nguồn nhân lực của đất nước trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, làn sóng dịch chuyển đầu tư, cách mạng công nghiệp 4.0…
Trước hết, cần chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của công nghệ hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Cần tập trung vào những chương trình đào tạo ngắn hạn trước, đào tạo chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng cũng là một cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam để nâng cao kỹ năng, trình độ. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả, cần đổi mới phương thức đào tạo có kết hợp với doanh nghiệp bởi vì rõ ràng là không ai hiểu doanh nghiệp cần gì bằng chính họ.
Thứ ba, cần sự chung tay của các chủ thể, bởi việc đào tạo nghề góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện bình thường đã không dễ dàng. Bối cảnh tác động khôn lường của đại dịch càng là thách thức cần sự chung tay của tất cả các chủ thể. Trong trường hợp này, cần sự chung sức của 3 bên là doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học viên. Doanh nghiệp cần nhân lực có kỹ năng nghề để sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cái nôi đào tạo gần 85% nhân lực khối ngành sản xuất, cần doanh nghiệp trở thành môi trường thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên. Còn học viên sau đào tạo thì cần việc làm có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là mỗi quan hệ 3 bên tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới chất lượng nhân lực khối ngành sản sản xuất – điều kiện cần khôi phục và phát triển kinh tế.
Thứ tư, các bộ, ngành cần chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu mở về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo theo sát thị trường.
Thứ năm, cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp . Ngoài ra, cũng cần bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Nói tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đòi hỏi người lao động phải có tri thức, tay nghề cao hơn. Do vậy, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách đã định sẵn và tăng cường thúc đẩy, hợp tác giữa các bên được coi là cơ hội thay đổi cả về chất và lượng nguồn nhân lực Việt Nam, là nền tảng tăng trưởng kinh tế, xã hội không chỉ giai đoạn hậu đại dịch. Trong đó hoạt động giáo dục nghề nghiệp – cái nôi đào tạo 85% nhân lực khối ngành sản xuất – có vai trò quyết định, cần khẳng định vai trò, hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.
Thực hiện: Diệu Hương
Hình ảnh: M.N