+
Aa
-
like
comment

Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có “dám” động binh như năm 2008?

12/07/2019 11:01

Căng thẳng giữa Nga và láng giềng Gruzia đã leo thang trong những tuần gần đây với những vụ tranh cãi và cả biểu tình chống Nga dữ dội tại thủ đô Tbilisi.

Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có "dám" động binh như năm 2008?
Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có “dám” động binh như năm 2008?

Quan hệ Nga-Gruzia luôn trong trạng thái căng thẳng sau cuộc xung đột quân sự vào năm 2008, với việc Nga triển khai không quân và xe tăng tới tới Nam Ossetia để “bảo vệ công dân Nga” và khiến lực lượng Gruzia phải rút lui trong thất bại.

Hiện hai vùng bị ly khai sau cuộc chiến năm 2008, Nam Ossetia và Abkhazia, được Nga hỗ trợ về quân sự và tài chính, song Gruzia cáo buộc Moskva chiếm đóng các lãnh thổ này.

Những mâu thuẫn mới nhất đã khiến giới quan sát lo ngại rủi ro tình hình sẽ diễn biến khó lường ở miền nam khu vực Caucasus.

Chính phủ Nga cáo buộc phe đối lập Gruzia châm ngòi các cuộc tuần hành chống Nga ở Tbilisi vào ngày 20/6 vừa qua. Người biểu tình giận dữ bởi nghị sĩ Nga Sergei Gavrilov phát biểu trước Quốc hội Gruzia từ vị trí ghế của chủ tịch nghị viện.

Hàng nghìn người Gruzia đổ xuống đường phố thủ đô để phản đối vụ việc và cố gắng xông vào bên trong tòa nhà Quốc hội. Báo cáo cho biết có khoảng 240 người bị thương trong vụ bạo động. Căng thẳng với Nga dâng cao và các vụ biểu tình đã tiếp diễn kể từ đó.

Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có dám động binh như năm 2008? - Ảnh 1.
Cảnh sát Gruzia xô xát với đám đông biểu tình sau khi một người bị bắt khi tụ tập phản đối chuyến thăm của nghị sĩ Nga tại thủ đô Tbilisi, Gruzia, ngày 21/6/2019 (Ảnh: Anadolu)

Theo CNBC (Mỹ), tâm lý chống Nga đã phát triển mạnh ở Gruzia sau thất bại trong xung đột quân sự năm 2008. Moskva khiến Tbilisi giận dữ hơn nữa khi công nhận các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, và việc một nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga được trao diễn đàn ở Quốc hội Gruzia đã khiến dư luận nước này thêm kích động.

Sự việc diễn biến xấu hơn sau khi một MC người Gruzia gây ra mâu thuẫn lớn bằng cách dùng nhiều lời lẽ thô thiển đả kích và lăng mạ cá nhân tổng thống Nga Vladimir Putin trên truyền hình trực tiếp.

Phản ứng của Nga

Ngày 8/7, Điện Kremlin chỉ trích chính phủ Gruzia thất bại trong nỗ lực “bình ổn các lực lượng chống Nga” trong nước.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói vụ MC Gruzia lăng mạ ông Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Thủ tướng Gruzia Mamuka Bakhtadze cũng lên tiếng nhằm xoa dịu căng thẳng, nói rằng “đây là một cuộc chiến của những kẻ kích động chống lại đất nước của mình”. Ông gọi các vụ biểu tình làm leo thang căng thẳng với Nga là trò chơi “bẩn thỉu và kinh tởm” đối với an ninh quốc gia và công dân Gruzia.

Nga đã có một số phản ứng như đình chỉ quan hệ thương mại với Gruzia – quốc gia cũng có tham vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) giống như Ukraine. Ông Putin ngày 8/7 ký sắc lệnh tạm thời ngừng toàn bộ các chuyến bay giữa hai nước nhằm “bảo đảm an ninh cho công dân Nga”.

Đòn đau của Nga

Lệnh cấm bay của Nga đã giáng đòn mạnh vào ngành du lịch của Gruzia cùng các khu nghỉ dưỡng ở Biển Đen – nơi có hàng nghìn lượt khách từ Nga đổ về mỗi năm. Người đứng đầu Liên đoàn khách sạn và nhà hàng Gruzia nói với hãng Tass rằng 80% lượng đặt phòng của du khách Nga đã bị hủy.

Tổng cục du lịch nhà nước Gruzia tin rằng thiệt hại kinh tế ước tính do sự sụt giảm lượng khách từ Nga sẽ lên tới khoảng 710 triệu USD.

Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có dám động binh như năm 2008? - Ảnh 2.
Bãi biển Batumi xinh đẹp của Gruzia bên bờ Biển Đen (Ảnh: VANO SHLAMOV/AFP)

Đòn đánh kinh tế có thể sẽ nặng nề hơn cho Gruzia nếu nhà chức trách không kiểm soát được căng thẳng trong nước – theo ông William Jackson, nhà kinh tế cao cấp về các thị trường đang nổi của Capital Economics tại London.

“Nền kinh tế Gruzia đang hoạt động tốt cho tới gần đây, với mức tăng trưởng khoảng 5% một năm. Nhưng Nga là thị trường xuất khẩu và nguồn du khách chủ chốt [của Gruzia], cho nên căng thẳng sẽ làm nặng gánh tăng trưởng kinh tế,” Jackson phân tích.

Sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch cũng sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách Gruzia, vốn đã chiếm đến 8% GDP, và khiến kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn nước ngoài.

“Điều này có thể đặt đồng nội tệ [Gruzia] dưới sức ép và làm tăng lạm phát,” ông Jackson cảnh báo.

Vì sao Nga chưa cấm vận Gruzia?

Một lệnh cấm nhằm vào sản phẩm rượu vang Gruzia, cũng như hạn chế các giao dịch chuyển tiền qua biên giới đã được đề xuất như những phương án trừng phạt khả thi của Moskva. Tuy nhiên, quyết định trì hoãn trả đũa của tổng thống Putin đã trở thành điểm nhấn gây chú ý trong tuần này.

Zachary Witlin, nhà phân tích cấp cao về khu vực Nga và Nam Caucasus của Eurasia Group, cho rằng “Kremlin dường như đang quyết định sẽ làm gì tiếp theo”.

“Duma Quốc gia muốn tỏ ra cứng rắn [với Gruzia], nhưng thực tế việc cả cơ quan lập pháp lẫn tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Rospotrebnadzor đều không có hành động trong những đe dọa trước đó đối với sản phẩm rượu vang nhập khẩu cho thấy họ đang chờ đợi chỉ thị từ cấp cao,” ông Witlin trả lời CNBC.

Làn sóng chống Nga nóng rực ở Gruzia, Moskva có dám động binh như năm 2008? - Ảnh 3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên ở Moskva, ngày 20/12/2018 (Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters)

Agathe Demerais, giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit (EIU), phân tích rằng những hành động trong chính sách đối ngoại của Nga được dẫn dắt bằng hai nguyên tắc: “Đánh giá lại vai trò của Nga trên vũ đài toàn cầu” và ngăn chặn các nước mà Nga cho là góp phần vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ (như Ukraine và Gruzia) gia nhập các khối thuộc phương Tây như NATO hay EU.

“Việc duy trì tình hình căng thẳng, nhưng trên thực tế [tình hình] cũng bị đóng băng và chỉ có một số đợt bùng phát rải rác, phục vụ tốt cho các lợi ích chiến lược của Nga. Điều này đưa Nga vào trường quốc tế, và làm suy yếu nỗ lực của Gruzia để trở nên thân cận hơn với EU và NATO,” bà Demerais trả lời CNBC.

Ít khả năng xảy ra xung đột vũ trang Nga-Gruzia

Cuộc chiến năm 2008 giữa Nga và Gruzia, cũng như căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng can thiệp của Moskva nếu làn sóng biểu tình và bạo lực tiếp tục leo thang tại Gruzia.

Dù vậy, các nhà phân tích tin rằng leo thang quân sự giữa căng thẳng khó có thể là một giải pháp được Nga lựa chọn vào lúc này.

Theo ông Witlin, Kremlin sẽ nghiêng về phương án tận dụng các biện pháp trả đũa kinh tế.

“Điện Kremlin nhiều khả năng muốn bảo lưu sự răn đe của các biện pháp kinh tế xa hơn, nhưng nhận thấy ít cấp thiết phải hành động nhanh chóng như thời điểm ban đầu mới xảy ra biểu tình [ở Gruzia],” ông nói, bổ sung rằng giới chức Nga có thể dùng những đe dọa cấm nhập khẩu rượu và các biện pháp cấm vận kinh tế khác để tiếp tục làm đòn bẩy gây sức ép với Tbilisi.

Khen Gruzia “dũng cảm”, nói Liên Xô sụp đổ không phải thảm họa thế kỷ: Chủ tịch EC có ý gì khi công kích Nga?

Theo CNBC, việc khôi phục quan hệ ngoại giao và “đối thoại yếu ớt” với chính phủ Gruzia, do đảng Giấc mơ Gruzia-Gruzia Dân chủ (GDDG) của tỷ phú Bidzina Ivanishvili cầm quyền, có thể sẽ ngăn được Nga gia tăng sức ép và trả đũa.

Timothy Ash, nhà chiến lược cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, đồng tình rằng “Moskva sẽ lưu ý rằng chính quyền của [đảng] Giấc mơ Gruzia/Ivanishvili là điều tốt nhất [mà Nga] có được xét trên định hướng về Nga của họ”.

“Sự can thiệp của ông Putin là nhằm không kích động những chuyện có lợi cho phe đối lập [Gruzia], vốn ít ‘thân thiện’ với Moskva hơn nhiều,” ông Ash nói, tin rằng căng thẳng hiện nay sẽ lắng xuống.

“Điều tốt nhất mà Moskva có thể làm là không thổi bùng hơn nữa căng thẳng chống Nga, bởi họ nhiều khả năng trở thành bên thua cuộc nếu nhìn vào những vấn đề nổi cộm liên quan đến Abkhazia và South Ossetia,” bà Agathe Demerais bình luận. Bà nhận định, việc ông Putin kiềm chế trong các tuyên bố là một phần trong công cuộc tái định hình nước Nga trên vũ đài quốc tế, cũng như “sự sẵn sàng thể hiện bản thân ông ấy là một lãnh đạo thế giới tỉnh táo, lý trí”.

(Theo Soha News)

Bài mới
Đọc nhiều