+
Aa
-
like
comment

“Lạm phát” hoa hậu: Không nên chỉ đánh giá dưới lợi ích kinh tế

An Diễm - 27/10/2022 04:36

Theo thống kê sơ bộ năm 2022, các sân chơi sắc đẹp ở Việt Nam trở nên sôi động với hàng chục cuộc thi ở phạm vi toàn quốc, chưa tính đến các cuộc thi quy mô cấp tỉnh, thành phố. Mới đây nhất, chỉ trong tối ngày 22/10 mà có tới hai cuộc thi Chung kết Hoa hậu diễn ra và Việt Nam lại có thêm 2 Hoa hậu mới.

Chỉ trong một đêm Việt Nam có 2 Hoa hậu đăng quang.

“Một đêm Việt Nam có thêm 2 Hoa hậu”; “Tương lai đàn ông Việt Nam phải toàn Hoa hậu mất thôi”; “Lạm phát Hoa hậu”…Đó là những bình luận hài hước của cư dân mạng trước sự kiện này, và cũng tương tự như rất nhiều bình luận khác mỗi khi nghe tin Việt Nam có thêm một “Hoa hậu”. Thay vì khiến mọi người tò mò đón nhận, rất nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay bị gắn với cái mác “hoa hậu làng xã” chỉ vì quy mô quá nhỏ, mở theo phong trào, các ứng cử viên không chất lượng. Tuy chưa quá nhiều, theo thông tin từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì năm nay có tổng cộng 25 cuộc thi hoa hậu xin cấp phép, nhưng đã khiến khán giả bắt đầu “bội thực”.

Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc thi hoa hậu nở rộ và có lẽ tương lai sẽ tiếp tục tăng số lượng nếu được cấp phép thông qua. Trước hết, các đơn vị tổ chức sẽ thu được nhiều lợi nhuận thông qua tài trợ, quảng cáo. Khi một cuộc thi Hoa hậu được chú ý thì đơn vị tổ chức cũng quản lý luôn hình ảnh của người thắng giải cuộc thi và từ đó có các hoạt động hợp tác với nhiều nhãn hàng để quảng cáo và cùng chia sẻ doanh thu. Rất nhiều nhãn hàng cũng thường quan tâm đến các cuộc thi kiểu này vì sẽ thu hút được sự quan tâm của các cô gái mới lớn về trao lưu làm đẹp, thẩm mỹ, thời trang nhằm mong có ngày trở thành “Hoa hậu”.

Các “ứng cử viên” tham gia cuộc thi hoa hậu cũng mang trong mình ước muốn trở nên nổi tiếng sẽ có tất cả. Họ sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều kênh truyền thông và một bộ phận khán giả, từ đó sẽ mang về danh tiếng, tiền bạc. Không thể phủ nhận là một số “Hoa hậu” đi lên từ các cuộc thi hoàn toàn vô danh nhưng nhờ khéo léo biết phát triển sự nghiệp nên đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Mạng xã hội phát triển giúp thông tin đi xa hơn, nhanh hơn, phủ sóng rộng hơn cũng đã trợ giúp đáng kế cho những cuộc thi và ứng cử viên như vậy, vì không đòi hỏi chi phí cao để quảng cáo như các cuộc thi truyền thống ngày xưa.

Như vậy, nếu xét góc độ kinh doanh, giải trí thuần túy thì không có điều gì đáng bàn. Tuy nhiên như người xưa từng nói: “cái gì nhiều quá cũng không tốt”, đặc biệt là những gì được đưa lên truyền thông và mạng xã hội hiện nay. Các cuộc thi hoa hậu nếu quá nhiều có thể cổ súy cho phong trào thích ăn diện làm đẹp để nhanh chóng nổi tiếng qua một đêm, quá tôn vinh vẻ bề ngoài mà coi thường những phẩm chất và chuẩn mực khác. Một số người đạo đức không tốt nhưng nhờ bề ngoài và ăn nói lại trở nên nổi tiếng, truyền bá những phát ngôn “khó đỡ”, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Thậm chí một số người còn tham gia các cuộc thi quốc tế với vốn tiếng Anh cùng kiến thức tệ hại, làm xấu hình ảnh đất nước.

Các cơ quan quản lý cũng lo ngại vấn đề có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương. Trên phương diện quốc gia thì thật khó có thể nói đất nước sẽ nhận được nhiều lợi ích từ những cuộc thi hoa hậu như vậy, ngoại trừ những lợi ích thuần túy về việc thu thuế kinh doanh. Chính vì thế, đã đến lúc không nên chỉ đánh giá các cuộc thi này dưới lợi ích kinh tế.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều