“Làm ơn đừng hy sinh nước Đức…”
Câu nói trên chính là lời khẩn cầu trên xuất hiện trong một bức thư ngỏ do Hiệp hội thương mại thợ thủ công quận Halle-Saalekreis gửi tới Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đề nghị Thủ tướng chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga để cứu nền kinh tế.
Trong thư, Hiệp hội thương mại thợ thủ công quận Halle-Saalekreis ở Sachsen-Anhalt đã kêu gọi Thủ tướng Olaf Scholz hãy ngừng mọi lệnh trừng phạt chống Nga và bắt đầu đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Thư ngỏ hiện có trên trang RND của Đức và có 16 chữ ký từ tất cả các thương hội.
“Chúng tôi muốn bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là vi phạm Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc nhưng chúng tôi lại đang phải hứng chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chúng tôi lo lắng cho tương lai của con cháu, lo lắng cho sự tồn tại của các doanh nghiệp và lo lắng cho cả đất nước. Với tư cách là những người thợ thủ công, qua nhiều cuộc thảo luận với khách hàng, chúng tôi thấy rằng họ đã mất mát quá nhiều. Xin hãy hiểu rằng đó không phải là cuộc chiến tranh của nước Đức, làm ơn đừng hy sinh nước Đức vì Ukraine!“, trích một đoạn trong bức thư.
Đặc biệt, kết thúc bức thư, tại phần chữ ký, hàng loạt câu hỏi “ám ảnh” đã được những người thợ thủ công để lại như: “Còn quốc gia châu Âu nào khốn khổ hơn nước Đức hiện tại không?”, “Bạn muốn đặt nước Đức vào tình thế rủi ro vì điều vì?”, “Chúng tôi phải chịu đựng thảm cảnh này đến bao giờ?”…
Thực chất, đây không phải lần đầu tiên một bộ phận người dân Đức lên tiếng phản đối việc Đức viện trợ cho Ukraine và tiến hành các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề vào Nga.
Trước đó, trong một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 15/7 bởi hãng tư vấn INSA, 47% trong tổng số hơn 1.000 người Đức được hỏi cho biết họ tin rằng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga gây tổn hại tới Đức nhiều hơn là với Nga. Đặc biệt, 74% số người dự đoán Đức sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và thất nghiệp, 83% cho rằng giá tiêu dùng trong nước sẽ tăng và có đến 63% lo ngại tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng dẫn đến việc hạn chế cung cấp khí đốt cho các nhà máy và doanh nghiệp.
Gần đây nhất, hôm 22/8, tờ Financial Times cũng đã tiến hành một cuộc phỏng vấn nhỏ tại thị trấn Schwedt, nơi được xem là khu vực hứng chịu thiệt hại nhiều nhất tại Đức. Khi được hỏi, bà Ursula Patz, một cư dân của thị trấn kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, nhưng bà cũng phản đối cả việc Đức viện trợ cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga. Theo bà, sự trừng phạt đối với Nga có thể khiến thị trấn của bà bị “vạ lây”.
“Lệnh trừng phạt sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi rốt cục lại khiến chính chúng ta thiệt hại. Mọi người ở đây cảm thấy họ là ‘con thí tốt’ bị hy sinh trong cuộc chơi, và cũng không thể hiểu được vì sao Đức lại tình nguyện ủng hộ Ukraine. Mọi người phản đối chiến tranh, nhưng họ cũng phải bảo vệ công ăn việc làm của họ”, Nghị sỹ Jens Koeppen của Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) – người đại diện cho thị trấn phát biểu.
Trước đó nữa, vào ngày 23/5, Các nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng “Sự thay thế của nước Đức” đã đưa ra lời kêu gọi Chính phủ Đức hãy từ bỏ các biện pháp trừng phạt vào Nga và dừng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine để “bảo toàn sự sống”.
Trong đó, nhóm nghị sĩ nhấn mạnh việc Đức vẫn “cố tình” ủng hộ Ukraine và áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đáng kể đối với Đức. Đặc biệt, nếu Nga quyết định ngừng xuất khẩu hoàn toàn khí đốt sang Đức thì quyết định này sẽ gây hậu quả “vô cùng thảm khốc” cho quốc gia này.
Bằng chứng cho thấy, Đức đang hứng chịu cuộc “khủng hoảng kinh tế” lớn nhất, với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo dữ liệu do Cục thống kê liên bang công bố ngày 4/7, cán cân thương mại tháng 7 của Đức thâm hụt 1 tỉ USD. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu lên tới 132 tỉ USD trong khi xuất khẩu chỉ 131 tỉ USD. Thậm chí, tỷ lệ lạm phát tại Đức có thể lên đến 10% trong những tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên đến hiện tại, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa có phản hồi về nội dung bức thư này.
Lan Hoa