+
Aa
-
like
comment

Làm báo phải có tâm, tránh tình trạng con sâu làm rầu nồi canh

06/08/2020 07:10

Để hạn chế tình trạng một bộ phận phóng viên lợi dụng nghề nghiệp sách nhiễu tổ chức, doanh nghiệp, trước tiên lãnh đạo cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên. 

LTS:  Không ít những tờ báo, tạp chí phải tự trang trải kinh phí. Khó khăn trong hoạt động cộng với lòng tham khiến cho quy định pháp luật chưa được thực thi; quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị buông lỏng; trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng trong nhiều khâu quản lý, điều động phóng viên khi tác nghiệp…là nguyên nhân chính của tình trạng lợi dụng hoạt động báo chí quấy nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 

BBT có cuộc trao đổi với Trưởng Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) Phan Hữu Minh về thực trạng một số phóng viên quấy nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thời gian qua.

PV: Vấn đề đạo đức báo chí hiện nay đang ngày càng “nóng” hơn bao giờ hết. Trước những vụ nhà báo tống tiền cá nhân, doanh nghiệp, ông có suy nghĩ gì?

Ông Phan Hữu Minh: Những tiêu cực trong nghề báo là một điều đáng buồn. Ai cũng buồn, những người trong nghề lại càng buồn hơn.

Chúng ta đã có Luật Báo chí 2016, quy định những vấn đề được và không được làm trong hoạt động báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam là cơ quan bảo vệ  quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người làm báo cũng như tạo mọi điều kiện để cho nhà báo hoạt động.

Lãnh đạo báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên
Trưởng Ban Kiểm tra Phan Hữu Minh. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam

Hội đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Những điều này đã nói rất rõ việc nghiêm cấm, lên án rồi đề nghị trừng trị những hoạt động “làm tiền” của báo chí, dùng nghề nghiệp để trục lợi, nhưng nó vẫn xảy ra.

Hiện có khoảng 25 nghìn người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là lực lượng rất đông đảo, hàng ngày cung cấp rất nhiều thông tin. Ngoài cung cấp thông tin tích cực cũng có những thông tin chưa được chuẩn mực như không đầy đủ, vi phạm bản quyền, suy diễn, tính xây dựng trong báo chí không cao. Đây là những thứ luật đã cấm nhưng vẫn xảy ra. Đó là việc đau lòng.

Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Có  không ít những tờ báo, tạp chí phải tự trang trải kinh phí. Chính vì thế có những tờ báo, tạp chí thiên lệch trong quá trình hoạt động, tập trung vào làm kinh tế nhiều hơn là làm báo.

Có những cơ quan báo chí sinh ra nhưng cơ quan chủ quản không cung cấp tài chính. Điều đó tạo ra áp lực cho cơ quan báo chí đó phải có nguồn thu để duy trì hoạt động.

Ngoài ra, lượng người làm báo ngày càng đông đảo nhưng việc làm trong các cơ quan báo chí ngày càng hạn chế. Những cộng tác viên, người chuyên làm kinh tế của cơ quan báo chí lợi dụng việc làm quảng cáo để thực hiện những “động tác”  làm tiền cho cá nhân, tập thể.

Hầu hết những người này không phải là những hội viên hay nhà báo được đào tạo trong nghề, chủ yếu là những người đến làm hợp đồng để với mục đích làm kinh tế.

So với hoạt động báo chí hàng ngày của 25 nghìn người làm báo thì tỷ lệ những người bị bắt do tống tiền không lớn, nhưng nó lại là “con sâu rất to làm rầu nồi canh”.

PV: Ông hình dung như thế nào về những phóng viên với cách làm báo hay được gọi là “đếm tầng”, bảo trợ đen, phóng viên IS, đánh đấm hội đồng?

Ông Phan Hữu Minh: Đây là một vấn nạn, mục đích cuối cùng vẫn là tiền. Có những người không được giáo dục nhưng lỗi cũng ở một số cơ quan báo chí trong khâu quản lý. Thậm chí, có những cơ quan báo chí còn khoán cho họ nên họ tìm mọi cách để làm tiền. Đấy là cái rất xấu, phải nghiêm trị.

Phê phán những hoạt động không trong sáng

PV: Theo ông, những thói xấu dễ mắc phải nhất của nhà báo hiện nay là gì?

Ông Phan Hữu Minh: Một trong những thói xấu lớn nhất là nhà báo không có tâm với nghề nghiệp. Tôi nghĩ, nếu không có tâm thì đừng có làm báo.

Làm kinh tế cũng rất chính đáng, làm hợp đồng giúp các đơn vị quảng bá là hết sức bình thường, đúng pháp luật. Nhưng nấp sau hoạt động báo chí để làm những động tác không trong sáng thì mới đáng phê phán, chứ không ai phê phán làm kinh tế báo chí.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiện tượng “sáng đăng trưa gặp chiều gỡ” của nhiều tờ báo điện tử?

Ông Phan Hữu Minh: Có hai vế. Thứ nhất, không phải tất cả đăng sau đó gỡ đi đều là không trong sáng. Có những lúc người ta nhận thức chưa đủ thông tin, do tính nhanh nhạy của báo chí, tức thì của thông tin nên có sơ suất. Nghề báo có việc đính chính, đã trót sai thì nói lại.

Thứ hai, đăng lên rồi gỡ với động cơ kiếm tiền, rồi gỡ ra. Vì sao lại gỡ thì nhiều người ta hiểu được là có tiêu cực ở đấy.

PV: Theo ông cần làm gì để ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi?

Ông Phan Hữu Minh: Người làm kinh tế báo chí của những tờ báo phải không là người làm báo, phải rạch ròi, không lẫn lộn giữa làm chuyên môn nghiệp vụ với làm kinh tế.

Bên cạnh việc bênh vực quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên, những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam cũng thường xuyên xử lý, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức người làm báo, góp phần cùng cơ quan chức năng làm sáng tỏ nhiều vụ việc.

Các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Trong từng cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm cẩn hoạt động tác nghiệp. Phóng viên phải có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu đi công tác. Giấy giới thiệu phải đúng mẫu, đúng thời gian, quy định, người ký phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên…

Hương Quỳnh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều