+
Aa
-
like
comment

Lại dùng chiêu bài xuyên tạc mối quan hệ ngoại giao Việt – Trung

08/07/2019 16:34

Sáng 8.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Chủ tịch Nhân đại – Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư.

Chuyến thăm chuyến thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội bị xuyên tạc

Chuyện sẽ là rất bình thường cho đến khi một số đối tượng lại lấy vụ việc này để xuyên tạc, mỉa mai. Hàng loạt các trang mạng xã hội tiếp tục đăng tải về thông tin Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Trung Quốc với “sự mỉa mai” rằng đây là “đi chầu”, “đi nhận chỉ thị”, “đi vận động nhằm leo ghế”… Xâu chuỗi với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc kết hợp dự Diễn Đàn “Vành Đai và Con Đường” hồi trung tuần Tháng Tư, 2019, các đối tượng tiếp tục tung ra những luận điệu kết tội lãnh đạo Việt Nam luôn luôn “e sợ Trung Quốc”…

Những thông tin như nhắc trên vốn dĩ đã từng được sử dụng nhiều lần, nhằm suy diễn sai lệch bản chất về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc, kích động tâm lý “bài Tàu” mù quáng; xuyên tạc bản chất Nhà nước, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo cấp cao. Để tồn tại hành vi này, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của một bộ phận cộng đồng xã hội.

Đi Trung Quốc

Thời phong kiến, chuyện các triều đại Việt Nam sang Trung Quốc “cống triều” đã tồn tại như một “thông lệ”, thường là 3 năm một lần. Các chuyến đi này thường được hiểu là việc một “nước nhỏ” đem lợi ích vật chất cho “nước lớn” nhằm tranh thủ sự công nhận, bảo vệ, tránh hậu quả chiến tranh xâm lược.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử, việc “cống triều” ở phương Đông nói chung và của Việt Nam với Trung Quốc thời xưa còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Không chỉ là việc “nước nhỏ” phải phục tùng nước nước lớn, đây được xem như một nghệ thuật ngoại giao. Các đoàn sứ giả của Việt Nam sang Trung Quốc cống nạp các báu vật, thầy thuốc, gái đẹp,… sau đó cũng có thể sẽ được nhận lại các sản vật của Trung Nguyên như lụa là, gấm vóc,… Ngoài ra, các đoàn sứ giả của Việt Nam cũng tranh thủ mua các loại sách của Trung Quốc, học nghề nông, nghề thủ công để về dạy trong nước. Đây được xem như một hình thức thương mại quốc tế sơ khai.

Ngày nay, khi quan hệ quốc tế phát triển dựa trên sự công bằng, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, chuyện “cống triều” đã hoàn toàn bị xoá sổ trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thay vào đó, hai nước thường xuyên có các chuyến thăm để kết giao tình hữu nghị lãng giềng, tăng cường hợp tác về kinh tế, văn hoá,… Trong mỗi chuyến thăm, các hiệp định hợp tác, các thoả thuận về phương châm, quan điểm, đường hướng phát triển chung có thể được đưa ra nhằm hài hoà lợi ích trong quan hệ giữa hai quốc gia. Phát triển từ hình thức “thương mại sơ khai” như thời phong kiến, các chuyến thăm hiện nay mang ý nghĩa đa dạng hơn nữa, hướng đến nhiều mục tiêu phát triển hơn.

Nhưng, cũng cần nhìn nhận việc Trung Quốc là quốc gia “lớn”, phát triển, và đang có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam hiện nay. Việc quan hệ đối ngoại không chỉ nhằm đến việc tạo mục tiêu phát triển chung mà cần khôn khéo để xoá bỏ khoảng cách giữa “nước lớn với nước nhỏ”. Thậm chí, đó còn là những việc làm quan trọng để giải quyết các xung đột, bất đồng trên biển Đông, các chính sách gây ảnh hưởng về nông nghiệp, năng lượng,…

Nhìn cả một quá trình để thấy được quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam xưa và nay rất phức tạp. Nghệ thuật ngoại giao là thứ phải có, phải thực hiện và không thể trốn tránh. Rõ ràng, không cứ phải đánh nhau mới là “sòng phẳng, ngang bằng”; không cứ “cống nạp” là “xưng thần, lệ thuộc”.

Vậy nên, việc các thế lực thù địch liên tục xuyên tạc về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, xuyên tạc về các chuyến thăm hữu nghị giữa hai quốc gia vốn dĩ cũng chỉ là lấy cái hình thức bên ngoài để suy diễn. Mọi lập luận đều hướng người đọc, người nghe suy nghĩ theo lối hời hợt, phiến diện, kể cả trong giai đoạn lịch sử xưa và nay. Hiểu như vậy mới chỉ là một phần của sự thật. Mà một phần của sự thật sẽ không bao giờ là sự thật nữa.

Tóm lại, ngoại giao có thể phức tạp, nghiên cứu sử sách có thể khó khăn, nhưng cái mà ai cũng có thể thấy, có thể nhìn, có thể cảm nhận đó là độc lập, chủ quyền, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam ngày hôm nay. Đừng cứ mãi để ai đó khoét sâu vào tâm lý “sợ hãi” đến mức phải “bài Tàu”. Sợ hãi sẽ không bao giờ giành cho những người chiến thắng. Muốn đất nước phát triển, muốn bảo vệ chủ quyền, muốn khẳng định tiếng nói quốc gia thì người Việt trước hết hãy cho mình tâm thế chiến thắng trước đã.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều