Lại chiêu trò tấn công Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng
Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị “về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đến nay 100% Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ khóa mới.
Công tác nhân sự tại các Đại hội Đảng bộ Trung ương thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực, rất nhiều nhân sự được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ ở độ tuổi trẻ, thuộc thế hệ 7X. Điển hình có ông Lê Quốc Phong – Bí thư tỉnh Đồng Tháp sinh năm 1978; ông Thái Thanh Quý – Bí thư tỉnh Nghệ An sinh năm 1976; ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư tỉnh Hà Giang sinh năm 1976; ông Vũ Đại Thắng – Bí thư tỉnh Quảng Bình sinh năm 1975… Một điều đáng chú ý nữa, đó là có 34 Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%. Như ông Nguyễn Văn Thắng – Bí thư tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư tỉnh Đà Nẵng; ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư TP.HCM; ông Vương Đình Huệ – Bí thư Hà Nội; ông Đỗ Đức Duy – Bí thư tỉnh Yên Bái…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt vẫn chủ yếu là người địa phương thì lần này, việc điều động, luân chuyển đã gắn với việc thực hiện chủ trương bố trí những người đứng đầu không phải người địa phương là một sự mạnh dạn, đổi mới. Điều này được cho là dấu hiệu tốt, những tân Bí thư này sẽ có những cái nhìn khách quan hơn trong mọi việc của địa phương, ít bị ràng buộc, chi phối bởi các mối quan hệ họ hàng, anh em, phá vỡ được “chiếc kén” mang tên “cục bộ, bè cánh”, tiền lệ “cả họ làm quan”. Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa “chạy chức, chạy quyền”. Mà như lời một cán bộ nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận: “Việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm chỉ đạo, song trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng đã được quan tâm đẩy mạnh. Điều này giúp cán bộ được tăng cường về địa phương có điều kiện cọ xát với thực tế, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân, của hệ thống chính trị ở địa phương để phản ánh với trung ương và khi về trung ương sẽ tham mưu chính sách sát với nguyện vọng của người dân”.
Để có được những kết quả này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng với cả hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để ban hành nhiều quy chế, quy định, chỉ thị quan trọng trong lĩnh vực này. Đó cũng là những cơ sở quan trọng để các cấp ủy căn cứ áp dụng, thực hiện nghiêm việc rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ, đảng viên, bảo đảm chất lượng nhân sự Đại hội Đảng bộ tiến tới Đại hội 13.
Việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ là một việc hoàn toàn bình thường, và công tác này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy trình. Ấy vậy mà qua lăng kính của các “nhà dân chủ” nó lại bị biến tướng trở thành câu chuyện thâm cung bí sử, phe cánh trước thêm Đại hội 13. Mới đây thôi, trên trang Báo Tiếng dân đăng tải bài viết “Nhân sự Đà Nẵng và tranh giành quyền lực” của tác giả Đinh Hồ Tiên Sa nói rằng “tân Bí thư Nguyễn Văn Quảng là đệ tử của ông Trần Quốc Vượng cài cắm về Đà Nẵng để vào Ủy viên Trung ương khóa XIII”. Dưới sự dẫn dắt, hướng lái thông tin theo kiểu “dây cà ra dây muốn”, “đánh lận con đen”, những luận điệu này đã chĩa mùi lao vào Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Dã tâm của đối tượng trên là tìm mọi cách kích động người dân mất niềm tin vào công tác sắp xếp nhân sự, tiến tới phá hoại Đại hội 13.
Qua thực tế cho thấy, chính vì sức hút của vấn đề sắp xếp nhân sự đã trở thành mảnh đất mà kẻ xấu chuyên dựng chuyện, xuyên tạc, thêm thắt, đánh lận giữa chuyện thực và xảo, đánh vào tâm lý thị hiếu, tò mò của người dân, gây hoài nghi và mất niềm tin vào lãnh đạo và chính quyền. Càng gần tới Đại hội 13 các đối tượng vẫn sẽ cố đấm ăn xôi, tung ra nhiều thủ đoạn thâm độc, nham hiểm với những chiêu trò hèn hạ. Chúng ta cùng xem những “nhà đấu tranh, yêu nước” sẽ diễn tiếp kịch gì từ nay tới đại hội XIII và hạ màn ra sao khi đại hội kết thúc!
Thế Khoa