+
Aa
-
like
comment

Kỹ sư IT bỏ sang làm doanh nghiệp ngoại là “chảy máu chất xám”?

An Diễm - 17/11/2022 14:22

Trong các ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có một nội dung khá thú vị liên quan đến nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin (IT). Đây là ngành mà Việt Nam được đánh giá là vừa thiếu vừa còn yếu, nhưng không ít người có trình độ lại có xu hướng bỏ sang nước ngoài làm cho doanh nghiệp ngoại. Đại biểu cho rằng đây là biểu hiện của việc “chảy máu chất xám” và cần có biện pháp giải quyết.

Nguy cơ “chảy máu” chất xám sang Nhật

Công nghệ thông tin là lĩnh vực đang trở thành xu hướng do ngành này có nhiều tiềm năng để thúc đẩy kinh tế, tạo ra nhiều công cụ hiện đại phục vụ cho cuộc sống của con người. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển theo định hướng công nghiệp 4.0. Vì vậy việc tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, trong đó có vấn đề đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Nhiều số liệu thống kê chỉ ra rằng Việt Nam đang thiếu một lượng lớn kỹ sư, chuyên gia ngành IT, đặc biệt là nhân sự có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Không có nhân tài, không đủ nhân tài thì thực sự làm gì cũng khó.

Mặt khác, khi nói về nguồn nhân lực thì cần đề cập đến thu nhập và đãi ngộ, cũng như cơ hội phát triển của họ. Có một thực tế là trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng tương tự như các lĩnh vực khác ở Việt Nam thì hai tiêu chí này còn là điểm yếu. Khi tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho rằng lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam đang bị “chảy máu chất xám”. Theo ông Huấn, có nhiều lý do cho thực trạng này, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài trả lương cao gấp 5-7 lần, thậm chí gấp 10 lần và môi trường công tác, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam không đáp ứng yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề này có cả câu chuyện của thị trường. Quả thực, đứng ở góc độ người lao động, nhất là người lao động có trình độ cao, làm việc trong một lĩnh vực nhiều tiềm năng thì ai cũng muốn có mức thu nhập xứng đáng. Câu chuyện “nhảy việc” sang chỗ có thu nhập cao hơn là xu hướng khá phổ biến của người lao động thuộc mọi ngành nghề. Nhưng có một yếu tố đáng suy ngẫm hơn là “môi trường công tác, cơ sở vật chất nghiên cứu còn yếu kém”. Nhân tài có giỏi tới đâu mà ở trong một môi trường không thuận lợi thì cũng khó có thể phát triển được, và nếu họ bị kìm hãm ở đó thì năng suất lao động cũng không cao, khó tương xứng với tiềm năng bản thân. Nếu tình trạng đó xảy ra thì chúng ta đã “lãng phí nhân tài”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là khi chưa có điều kiện trả mức thu nhập xứng đáng và cũng chưa tạo được môi trường thuận lợi cho nhân tài phát triển thì ta nên “lãng phí” họ, hay vui vẻ với việc họ ra đi để có thể phát triển đúng với tiềm năng của bản thân và kỳ vọng một ngày nào đó họ quay trở lại với những đóng góp tốt hơn? Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao hiện đã trả mức lương tương đương với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, bắt đầu xuất hiện những học sinh, sinh viên, người lao động đang học ở nước ngoài và về Việt Nam làm việc. “Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng cao hay không để thu hút được nhân tài” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Như vậy, việc người lao động chuyển sang doanh nghiệp nước ngoài với mức đãi ngộ cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn là điều phổ biến trong xã hội. Việt Nam hiện nay đang phát triển nền kinh tế thị trường thì cũng cần chấp nhận các quy luật tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những công cụ điều tiết của Nhà nước trong trường hợp cần thiết, ví dụ có thể ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài vào Việt Nam đầu tư làm ăn để tạo thêm việc làm và giữ chân người lao động ở lại trong nước.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều