+
Aa
-
like
comment

Hàn Quốc khẩn thiết nhờ Việt Nam giúp đỡ bằng “mối quan hệ đặc biệt có 102”

Bảo Trâm - 17/07/2021 08:37

Trang The Korea Times của Hàn Quốc vừa có bài viết nói về nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác song phương trong các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu.

Đáng chú ý, Tổng thống Moon đã đặc biệt mở lời đề nghị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hỗ trợ trong việc nối lại đàm phán với Triều Tiên.

Hàn Quốc nhờ Việt Nam hỗ trợ trong việc nối lại đàm phán với Triều Tiên.

Theo Korea Times, trong cuộc điện đàm, ông Moon đã chúc mừng ông Trọng được tái đắc cử. Riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại dành lời khen ngợi về thành tích “Hàn Quốc thăng hạng thành quốc gia phát triển” theo chỉ định của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD).

Lãnh đạo Hàn Quốc và Việt Nam đều nhất trí chủ động hợp tác để phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” giữa hai bên. Đặc biệt vào năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, theo Korea Times.

Theo Tổng thống Moon Jae-In, bất chấp cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây nên, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ thương mại song phương vô cùng tốt đẹp. Ông Moon cũng bày tỏ hy vọng được hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu tăng lên ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2023.

Khi trò chuyện, Tổng thống Moon Jae-In bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam về việc đăng cai thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2019: “Đây là cuộc gặp gỡ mang tính xây dựng hòa bình, ổn định mà Việt Nam đã làm rất tốt”, theo Korea Times.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo Korea Times, Tổng thống Moon cho rằng “Việt Nam là đối tác cốt lõi trong chính sách “Hướng Nam Mới” của Hàn Quốc.” Ông Moon còn đặc biệt đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “làm cầu nối, nhanh chóng giúp Hàn Quốc nối lại đàm phán với Triều Tiên“.

Đáp lại đề nghị của Tổng thống Moon Jae-In, ông Trọng đã đáp lại rằng “Việt Nam luôn ủng hộ các cuộc đối thoại hòa bình, ủng hộ việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên“.

Được biết, Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là “tăng cường hợp tác giữa LHQ và các nước, các tổ chức khu vực trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại làng đình chiến Panmunjom

Việt Nam – Triều Tiên, mối quan hệ có 102

Việt Nam và Triều Tiên được xem là hai quốc gia có mối quan hệ vô cùng thân thiết suốt nhiều thập kỷ. Đối với Triều Tiên, mối quan hệ với Việt Nam là tình ‘đồng chí-chiến lược’ có một không hai.

Mối quan hệ này được chính Triều Tiên đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Triều Tiên vào ngày 8/7: “Các mối quan hệ hữu nghị-hợp tác giữa Triều Tiên và Việt Nam đã phát triển thành quan hệ đồng chí-chiến lược có một không hai ngày nay”.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định thêm rằng các mối quan hệ giữa Việt Nam-Triều Tiên sẽ lên tầm cao mới trong tương lai do lợi ích sâu sắc giữa các lãnh đạo và các đảng của hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, tháng 11/1958

Từ xa xưa, mối quan hệ Việt – Triều được củng cố trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi Triều Tiên cử gần 100 phi công trẻ và sĩ quan sang học tập, huấn luyện cùng các phi công chiến đấu Việt Nam và còn trực tiếp tham chiến.

Trong giai đoạn 1966 – 1969, các phi công Triều Tiên tham gia chiến đấu chủ yếu trên vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên, bắn hạ 26 máy bay Mỹ. 14 người hy sinh và được mai táng ở nghĩa trang tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng trăm sinh viên những năm 1960 và 1970 và viện trợ xi măng, thép, vải, thuốc men, phân bón.

Năm 1957, quan hệ Việt – Triều chứng kiến dấu mốc quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Triều Tiên. Người dân Bình Nhưỡng đứng dọc hai bên đường chào đón khi chiếc xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Thủ tướng Kim Nhật Thành, thăm nông trường Gochang ở tỉnh Pyongan Nam và trường học ở Bình Nhưỡng.

Hình ảnh Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuống tàu tại ga Đồng Đăng năm 2019

Một năm sau, Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm Việt Nam. Nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vỗ tay chào mừng ông. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông đến nhà máy dệt Nam Định. Ông Kim Nhật Thành còn đến thăm trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Năm 2019, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump, trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên trong vòng 55 qua thăm Việt Nam sau chuyến thăm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Bảo Trâm 

Bài mới
Đọc nhiều