Kinh tế Việt Nam sẽ thế nào khi chiến tranh Mỹ – Trung vẫn chưa hạ nhiệt?
Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã là hai cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, vậy nên bất kỳ một cuộc chiến tranh thương mại nào giữa hai đất nước đều kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến kinh tế của một khu vực rộng lớn. Mới đây, IDE Jetro, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cũng đã có bài viết trong đó phân tích rõ những tác động tiêu cực lẫn tích cực đến Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Theo IDE Jetro, trong vòng xoáy căng thẳng thương mại Mỹ -Trung, các quốc gia châu Á được dự báo đều ít nhiều chịu ảnh hưởng theo hướng đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc áp các mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, nhiều nhà phân tích đều đưa ra nhận định rằng các trung tâm sản xuất giá rẻ của Châu Á sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể là việc các quốc gia này sẽ thu hút được lượng lớn dòng chảy “dịch chuyển sản xuất”, thoát khỏi phụ thuộc Trung Quốc. Từ đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy sản xuất ở các quốc gia Châu Á trong dài hạn.
Và trên thực tế, trong những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Indonesia… Xu hướng dịch chuyển này dường như đã tăng tốc khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới bước vào cuộc chiến thuế quan với nhiều đòn đáp trả lẫn nhau.
Đơn cử như việc hàng loạt nhãn hàng như giày chạy bộ Brooks Running, máy giặt Haier, tất Jasan, vốn cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance và Fila, đều đã có kế hoạch tới Việt Nam.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố, hơn 40% số công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang xem xét hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia Châu Á được cho là được hưởng lợi từ việc phân bổ sản xuất do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì các quốc gia từng được mệnh danh là “những con hổ Châu Á” có khả năng phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và trung chuyển như Singapore, Hongkong, hay các nền kinh tế phát triển cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ chịu nhiều bất lợi.
Trong đó, lực lượng lao động chi phí cao cũng là nguyên nhân khiến các nước này khó có thể trở thành điểm đến cho các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, khó khăn trong chuỗi cung ứng, những thách thức về cơ sở hạ tầng và tình trạng thiếu đất ở những thị trường kém phát triển hơn cũng là những vấn đề Châu Á phải đối mặt.
Và đương nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia chịu không ít tác động từ sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhìn chung, quan hệ thương mại Mỹ – Trung chi phối sự phát triển của thương mại và đầu tư toàn cầu nên xung đột thương mại Mỹ – Trung có thể làm giảm tốc thương mại quốc tế, qua đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam kể cả về lượng và về giá.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Mỹ với hàng chục tỷ USD. Điều này có thể khiến cho các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ dành cho Trung Quốc cũng có thể mở rộng áp dụng đối với cả Việt Nam, với lý do tương tự mặc dù với mức độ và quy mô thấp hơn.
Vì thế, để giảm thặng dư thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị trừng phạt “lây”, Việt Nam có thể phải điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Đặc biệt là nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao và một số nông sản là thế mạnh của Mỹ.
Bên cạnh đó, sức ép từ phía Mỹ có thể khiến Trung Quốc điều chỉnh bớt dòng xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam khiến cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng thêm nặng nề. Nhất là bên cạnh thương mại chính thức còn có thương mại phi chính thức mà Việt Nam chưa kiểm soát được..
Theo IDE Jetro, cuộc chạy đua kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại đủ sức cạnh tranh với công nghệ của Mỹ. Vì vậy, những công nghệ lạc hậu bị thải loại của Trung Quốc có thể tìm “bến đỗ” ở Việt Nam.
Thực tế nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây thông qua sự hỗ trợ của cả đầu tư trực tiếp lẫn các khoản cho vay của Trung Quốc. Bên cạnh đó, để tránh chiến tranh thương mại, một phần dòng vốn FDI rút ra từ Trung Quốc có gắn với công nghệ cao có thể chọn Việt Nam làm điểm đến. Tuy nhiên, khả năng này trong bối cảnh hiện tại rất khó có thể thành hiện thực do có quá nhiều yếu tố khách quan chi phối.
Một ảnh hưởng nữa cần đề cập đến đó là vấn đề tiền tệ. Quan hệ thương mại Mỹ – Trung luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, tranh chấp, thậm chí chiến tranh thương mại công nghệ và kéo theo chiến tranh tiền tệ nên Việt Nam phải luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án tối ưu để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thương mại, đầu tư và tài chính tiền tệ,… Việc USD liên tục lên giá do kinh tế Mỹ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và FED giảm lãi suất USD trong khi NDT mất giá mạnh do hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ gây sức ép lên chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Cuối cùng là tác động đến môi trường. Các chuyên gia cảnh báo rằng “bùng nổ chiến tranh thương mại” hiện nay dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu và đầu tư quốc tế, tăng trưởng bền vững của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức dài hạn. Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trong tương lai, nhưng lợi ích thực sự không phải là doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, các nhà quản lý Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư từ Trung Quốc để tránh những tác động bất lợi lâu dài đối với môi trường khi sử dụng các công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Có những lo ngại rằng, các công ty Trung Quốc sẽ nhập khẩu các công nghệ lỗi thời và gây ô nhiễm vào Việt Nam, gây ra áp lực và thiệt hại to lớn cho môi trường.
Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là Việt Nam không thể tìm thấy những điểm sáng trong cuộc chiến thương mại này. Hiện Việt Nam đang được coi là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Nếu như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của quyết định áp thuế lần đầu của Mỹ thì tới ngày 8/3/2018 Việt Nam đã bắt đầu chịu tác động bởi quyết định áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm. Mỹ cho rằng các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc có thể đe dọa các nhà sản xuất trong nước và theo đó là an ninh quốc gia. Trong khi đó, một phần không nhỏ thép Việt Nam bị cho rằng có nguồn gốc Trung Quốc và bị nghi ngờ có động thái lẩn tránh thuế hoặc phá giá khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến việc toàn bộ ngành nhôm thép Việt Nam có nguy cơ chịu cùng mức thuế suất 10% mới do Mỹ áp đặt.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội cho các nhà sản xuất nhôm/thép Việt Nam nếu họ khẳng định được tên tuổi của mình, nâng cao được chất lượng và minh bạch hoá được nguồn gốc sản phẩm. Không chỉ tránh được thuế, ngành nhôm thép thậm chí có thể chiếm được thị phần bỏ ngỏ bởi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông nghiệp bị đánh thuế trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ là áp lực lớn với thị trường Việt Nam. Thị trường trong nước có thể bị cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết khi những sản phẩm lẽ ra được xuất khẩu sang Mỹ/Trung Quốc nay sẽ tìm cách để tràn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên xem đó là một cơ hội. Trung Quốc vừa tăng thuế suất lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt heo, trái cây và các sản phẩm khác, trị giá lên đến 3 tỷ USD. Bộ trưởng thương mại Trung Quốc cho biết, Chính phủ sẽ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia khác. Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh trồng và sản xuất các mặt hàng nông sản và thủy sản vốn được nước láng giềng ưa chuộng để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.
Như vậy, thời điểm này là cơ hội quý báu cho Việt Nam khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương, và tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại đã ký kết. Về mặt chính sách, Việt Nam cần ưu tiên xuất khẩu chính ngạch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam được xem là điểm đến thu hút nhất khi các doanh nghiệp toàn cầu loay hoay tìm bến đỗ, rời xa Trung Quốc đầy thị phi. Một số nhà kinh tế thế giới còn dự đoán rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt Ấn Độ, trở thành “công xưởng thứ hai” của thế giới chỉ sau Trung Quốc bởi nơi đây hội tụ đầy đủ những ưu điểm tuyệt vời mà các doanh nghiệp cần.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn đang ngày càng gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã, đang gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới.
Việt Nam là một nền kinh tế mở, cho nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh này đưa lại, tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội. Chính phủ Việt Nam cần nâng cao vai trò quản lý, hướng dẫn kết hợp. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần biết tận dụng, cập nhật, nâng cao chất lượng để biến những khó khăn thành cơ hội cho chính mình.
Lan Hoa