Kinh tế Việt Nam hồi phục ấn tượng

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã vượt qua được những biến động bất lợi toàn cầu để đạt mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nay.

Thông tin trên là nhận định trong báo cáo cập nhật toàn cầu của nhiều định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Rất nhiều những cụm từ ấn tượng được nhắc đến khi nói về sự phục hồi kinh tế Việt Nam như tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, tự cường hay vượt bậc ngoài dự báo… Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên mức 7 – 7,5% và trở thành quốc gia duy nhất tại châu Á được Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng dự báo tăng trưởng.

Từ đầu năm đến nay, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát của khu vực đồng Euro đến tháng 7 lập kỷ lục tăng 8,9%. Thái Lan tăng 7,61% và Hàn Quốc tăng 6,3%…

Việt Nam cũng đã phải chịu sức ép rất lớn do là nền kinh tế có độ mở lớn. Chính phủ đánh giá nhờ có nghệ thuật điều hành, nhãn quan chính trị, hiểu biết tâm lý xã hội và bình tĩnh trước các ý kiến khác nhau nên lạm phát đã được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và dồn sức tăng trưởng trong giai đoạn nước rút cuối năm.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa thiết yếu liên tục thay đổi, biến động khó lường. Tuy nhiên, những giải pháp quyết liệt và kịp thời đã giúp bình ổn giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm – những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80 – 90% vào chỉ số CPI ở Việt Nam.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát trên toàn thế giới tăng, đồng USD liên tục tăng giá, đã khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Nhưng việc tỷ giá được kiểm soát ổn định trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Đồng thời, giá điện, nước sinh hoạt, học phí… cũng đã được tính toán thay đổi lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay đã giúp giảm áp lực chi phí cho người dân cũng như các doanh nghiệp.

Áp lực lạm phát và khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam trong thời gian tới nên đòi hỏi việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam cần tính tới độ trễ để thực hiện các chính sách cho hiệu quả hơn.

Những đánh giá khách quan, tích cực của các tổ chức quốc tế là nhờ sự điều hành mặt bằng lãi suất và tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian qua. Đặc biệt là cung tín dụng, tức tổng mức tín dụng đưa ra nền kinh tế luôn được điều hành thận trọng… Tất cả những điều này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối và tạo được nguồn lực để ứng phó linh hoạt với những biến động bất lợi có thể xảy ra trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đã và đang phải căng sức để chống chọi với lạm phát thì chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô được giữ vững. Mặc dù sức ép ngày càng lớn nhưng ưu tiên sự ổn định để ứng phó với những bất định là mục tiêu được lựa chọn của cơ quan điều hành.

Cả thế giới đang lạm phát nên khả năng nhập khẩu lạm phát hiện là điều được các chuyên gia khyến cáo. Do vậy, nếu tỷ giá nếu không được điều hành một cách linh hạt có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác cho nền kinh tế.

Thành công trong điều hành kinh tế là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Vì vậy trong bối cảnh này, Chính phủ khẳng định quyết tâm không khuất phục trước khó khăn chủ động ứng phó.

Thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường. Chỉ khi làm được như vậy mới tiếp tục đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua mọi khủng hoảng, khó khăn của thế giới để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Đồ họa: M.N