Kiểm tra, giám sát trong Đảng: Không liêm, không sạch thì không kỷ luật được ai
Có thanh liêm, đạo đức trong sáng, tâm huyết, trách nhiệm thì mới thực hiện tốt chức năng “thanh bảo kiếm” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cuối tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc rèn luyện, bản lĩnh của người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đặc biệt, phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải là những “Bao công” trong thời đại mới”.
Những lời nói tâm huyết của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khiến cho những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải suy nghĩ và hành động cho xứng đáng với nhiệm vụ mà mình được giao phó.
Ông Hà Trung Ký, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Nông cho rằng: Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì cần mài thêm sắc “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân: “Phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Đây là yêu cầu đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, phải rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, phẩm chất, rèn luyện năng lực thì mới làm tốt công tác kiểm tra của mình. Mình có thanh liêm, đạo đức trong sáng thì mới đảm bảo thu hút người ủng hộ mình, thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra. Muốn chống tham nhũng thì đạo đức, lối sống, phẩm chất là cái hàng đầu đặt ra”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Bài học từ việc kỷ luật cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vì những sai phạm trong quá trình thanh tra tại Vĩnh Phúc; Vụ bắt quả tang cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa tống tiền; hay việc thi hành kỷ luật với ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai…cho thấy tình trạng tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã làm giảm niềm tin của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: với quyền lực trong tay, họ thường có thủ đoạn che dấu khuyết điểm, vi phạm, bởi thế, xử lý cán bộ về hành vi tham nhũng là việc làm rất khó khăn, phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Pha phân tích: “Dị nghị, nghi ngờ của người dân và dư luận về lực lượng có chức năng phòng chống tham nhũng mà tham nhũng thì đã có từ lâu rồi. Vừa rồi phát hiện một số việc tôi cho rằng, những dị nghị, nghi ngờ của người dân là đúng. Những người được pháp luật giao cho công cụ “thanh bảo kiếm” để chống tham nhũng mà lại vi phạm pháp luật, lại tham nhũng, thì rõ ràng công cuộc phòng chống tham nhũng rất nhiều khó khăn”.
Với hơn 1000 tổ chức Đảng, hơn 70.000 đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và nghỉ hưu bị kỷ luật trong nhiệm kỳ XII đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đó là không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác; thực sự công tâm, khách quan. Trong khi đó, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường, đây chính là những thách thức không nhỏ đối với họ.
Ông Phan Xuân Lĩnh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Lắk nhấn mạnh: “Những người làm công tác kiểm tra phải luôn trau dồi đạo đức phẩm chất, luôn học tập, tích lũy khả năng trí tuệ, tinh thần quyết đoán, quyết tâm nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, “thanh bảo kiếm” sắc biến để sử dụng trong quá trình kiểm tra, giám sát của Đảng. Thứ 2, phải quán triệt tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt lực lượng thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng. Phải xây dựng đội ngũ này cả về năng lực, phẩm chất, phải đảm bảo thu nhập, đời sống giúp anh em có cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ được sự thanh liêm, vấn đề quan trọng là tạo điều kiện cho người làm công tác kiểm tra, giám sát đủ sống, thậm chí an tâm đảm bảo cuộc sống gia đình. Khi đó, những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ tập trung vào công tác kiểm tra giám sát, tránh gặp khó khăn là sa ngã, lệch hướng, vi phạm phẩm chất đạo đức.
Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh kỳ vọng: “Muốn là “thanh bảo kiếm” thì phải trong sáng, trong sáng ngay từ tư tưởng, tâm hồn, bản lĩnh và hết sức bình thường là đạo đức, lối sống. Càng những người trong cuộc, những người trực tiếp làm nhiệm vụ thì càng phải đi đầu, gương mẫu, làm thật tốt yêu cầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, như thế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát. Theo Người “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”; công tác kiểm tra “góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, tổ chức”. Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải “liêm”, phải “sạch”. Bởi, có thanh liêm, đạo đức trong sáng, tâm huyết, trách nhiệm thì mới thực hiện tốt chức năng “thanh bảo kiếm” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Lai Hoa/ VOV