+
Aa
-
like
comment

700 tổ chức Myanmar: Dân đổ máu không quan trọng bằng “lên án” Việt Nam

Anh Tám Cò - 01/04/2021 18:10

5 năm về trước, câu chuyện cải cách chính trị tại Myanmar đã khiến Tám Cò tôi vui mừng cho người dân xứ sở Chùa Vàng. Khi đó, tôi đã thực sự tin rằng những thay đổi mà người dân đã chờ đợi suốt hơn 40 năm đã đến, rằng cái nghèo đói, lạc hậu có lẽ sẽ chỉ còn là quá khứ của vùng đất Miến Điện.

Người biểu tình Myanmar.
Người biểu tình Myanmar.

Nhưng ngay trong cuộc bầu cử năm 2015, tôi phải kinh ngạc trước con số “ấn tượng” của các đảng phái ra tranh cử: Chỉ có 50 triệu dân, mà đến 92 đảng! Mà có cho là toàn các đảng nhỏ, thì cuộc đua thực sự cũng dành cho tới 6 đảng phái, trong đó có đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi. Cái “kỷ lục đa đảng” này, Tám Cò đoan chắc mấy anh nhà nước đa đảng có tiếng cũng phải “ngả mũ chịu thua”… Ấy là chưa kể có hơn 2.000 tổ chức hoạt động chính trị khác. Về khoản này, tôi chắc như đinh đóng cột rằng không có nước nào có thể sánh nổi, toàn bộ Tây Âu cũng chưa chắc bằng… Nếu có một cái thước đo độ dân chủ tính bằng đơn vị “số đảng”, thì chắc là Myanmar phải là “top 1” thế giới.

Nhưng thôi thì đấy cũng là chuyện đất nước Myanmar. Họ có nhiều đảng, cũng không ai bắt ép họ ít đi được. Có điều, tôi tự hỏi 92 đảng và 2.000 tổ chức đã làm những gì cho người dân Myanmar?

Thế rồi sau 5 năm, 2 cuộc bầu cử, và giờ là bạo loạn, tôi mới vỡ lẽ họ đã “làm” được những gì. Mấy ngày trước, 700 trong số 2000 tổ chức đó đã làm một hành động quả là “ấn tượng”: Giữa cái lúc mà người dân đang chết ngày một nhiều, họ lên án. Nhưng họ lên án bạo lực à? Không, Họ lên án… Việt Nam, rằng Việt Nam “can thiệp” khiến Liên Hiệp Quốc không thể mạnh tay tại Myanmar. Nghe tin này, Tám Cò không biết nên vui hay nên buồn… cười. Dù nước tôi phát triển nhanh thật, nhưng mà “hổ báo” đến mức can thiệp cả Liên Hiệp Quốc, tôi cứ tưởng nước mình thuộc nhóm G7, G9 từ khi nào mà mình không biết…

Còn 700 tổ chức kia, tôi cũng rất thắc mắc. Người dân của các anh đang chết dần chết mòn trên các con đường, anh đã làm những gì, mà đã lo “chất vấn” người ngoài? Mạng sống con người quý giá lắm, nếu các anh vì cái ghế nho nhỏ của mình trong 2 nghìn cái tổ chức kia, mà lờ đi sự sống cái chết của người dân, thì xin nói phũ phàng là các anh không có tư cách… Anh chẳng có tư cách để nói 2 tiếng “vì dân” với những người đang oằn mình vì đau thương và chết chóc. Không hề có 1 tiếng nói để ngăn cản bạo lực, không 1 hành động để tang thương thôi không chất đầy những mái nhà. Thay vào đó là những lời chỉ trích viển vông, để bảo vệ cái hình tượng bóng bẩy của các anh, mà cầu xin sự “ban phước” của những kẻ đang thực sự khuấy đảo dân tộc mình.

Những lời lên án vô cớ và viển vông của các tổ chức chính trị Myanmar.
Những lời lên án vô cớ và viển vông của các tổ chức chính trị Myanmar.

Và hiển nhiên, anh không có tư cách để nói rằng Việt Nam – đất nước đã và đang tôn trọng Myanmar bằng tất cả giá trị nhân văn của dân tộc mình – nhúng tay vào nỗi đau của người dân Myanmar. Chính xác, thì đó là việc làm của mà những ngoại bang mà chính anh đang cầu cạnh. Và đứng trên một góc độ, mối bận tâm viển vông của các anh cũng đã góp phần gieo rắc cái chết cho người dân.

Còn các trang mạng, tổ chức đang vịn vào cái danh “dân chủ” và “nhân quyền”, nếu có một chút gì vì đất nước Việt Nam và vì người dân Myanmar, thì nên thôi những màn “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Bởi nếu không, thì mấy chục triệu người lớn và trẻ em Myanmar đang chết trong ai oán kia sẽ là “di sản” muôn đời của các anh, chứ không phải của ai khác.

Cái chết của người dân Myanmar sẽ là "di sản" muôn đời của các nhà "dân chủ".
Cái chết của người dân Myanmar sẽ là “di sản” muôn đời của các nhà “dân chủ”.

Anh Tám Cò

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều