+
Aa
-
like
comment

Không để lọt “những hạt giống đỏ đổi màu” vào Đại hội XIII

sông trà - 12/07/2020 09:00

Chủ trương “quy hoạch nhân sự” là đúng, nhưng cần công khai, minh bạch để cho nhân dân giám sát, để cho quần chúng thấy được nhân sự ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn.

Tính riêng từ năm 2016 đến nay đã có hơn 70 cán bộ cao cấp bị kỷ luật, trong đó có những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương. Thậm chí, có nhiều người trong số này, một thời từng được coi là “hạt giống đỏ” sáng giá, được “chọn mặt gửi vàng” vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Hẳn ai cũng biết, Phạm Chí Dũng từng là một “hạt giống đỏ”. Sinh năm 1966, tại Đồng Tháp, cha đẻ của Phạm Chí Dũng là ông Phạm Văn Hùng (còn gọi là Ba Hùng), cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Bản thân Phạm Chí Dũng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, có học vị tiến sĩ về kinh tế. Trong một thời gian dài, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, không nối tiếp truyền thống gia đình, Phạm Chí Dũng đã tự chuyển hoá, trở thành một đối tượng cơ hội chính trị nguy hiểm. Năm 2012, khi vẫn công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phạm Chí Dũng đã bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Hoặc, một số những “hạt giống đỏ” tưởng “chín mà chưa chín” như những: Vũ Minh Hoàng (đang du học tại Nhật đã được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), sau đó tiếp tục được UBND thành phố Cần Thơ bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ); Nguyễn Xuân Anh (Ủy viên BCH TƯ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng); Lê Phước Hoài Bảo (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Quảng Nam); Nguyễn Bá Cảnh (Thành ủy viên, Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng)…

Nhiều “hạt giống đỏ” của đất nước đã bị “chín lép”

Qua những trường hợp trên có thể thấy được sự nguy hiểm khi cán bộ, đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hoá. Khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước tự thoái hoá, biến chất, “trở cờ” quay sang chống phá chế độ, tính chất nguy hiểm rất khó lường.

Có nên quy hoạch nhân sự?

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”. Trong công tác cán bộ, vấn đề quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa ban hành đã tạo được nhiều ý kiến hưởng ứng và tranh luận trong xã hội. Chống chạy chức, chạy quyền không chỉ liên quan đến “lợi ích nhóm” mà còn tác động đến đội ngũ cán bộ nguồn – những “hạt giống đỏ” vẫn đang đối mặt không ít thị phi.

Thực tế cho thấy, quyền lực không được kiểm soát thì tự nhiên sẽ tha hóa, đó là điều không thể ngụy biện. Không thể có ai nhờ đọc đôi lần “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà thành lãnh đạo gương mẫu lập tức. Lãnh đạo gương mẫu hay không, phải dựa vào nỗ lực bản thân và thông qua sự đánh giá của nhân dân. Những người có quyền bố trí và bổ nhiệm có thể ban đầu cũng rất trong sáng, nhưng thoải mái ngụp lặn trong cái quyền vô biên của mình mà dần dần biến chất.

Vì sao? Vì họ thừa khôn ngoan để nhận ra sự trong sáng của họ cũng chẳng có lợi ích gì cho bản thân họ. Ngược lại, họ mắt nhắm mắt mở thì bản thân họ được cung phụng, mà vợ con họ cũng được hưởng thụ những vật chất do những người xung quanh mang lại.

Theo đó, muốn đo được sự tín nhiệm của nhân dân thì phải có cơ chế, như việc cần thiết công khai quy hoạch nhân sự TƯ nói riêng và các cấp nói chung để toàn dân được biết và được đóng góp ý kiến. Việc lấy ý kiến thông qua nhiều kênh, nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau, như lấy ý kiến người dân ở khu dân cư nơi cán bộ sinh sống, ở mặt trận đoàn thể hay thông qua báo chí.

Nói cách khác, chủ trương “quy hoạch nhân sự” là đúng, nhưng cần công khai, minh bạch để cho nhân dân giám sát, để cho quần chúng thấy được nhân sự ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.

Quan trọng hơn, việc lựa chọn cán bộ đó là phải đề cao trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Người giới thiệu phải hứa hẹn trước tổ chức Đảng rằng, mình phải là người chịu trách nhiệm trong quá trình phấn đấu, rèn luyện của đồng chí mà mình giới thiệu. Chứ không có chuyện giới thiệu cho xong, dựa vào tập thể và cuối cùng trách nhiệm chung chung, không biết cán bộ mà mình giới thiệu được dìu dắt, rèn luyện như thế nào.

Đặc biệt, đối với những cán bộ tài năng thì đừng vì một ràng buộc nào là quy hoạch hay là cơ cấu, tuổi tác, hay bằng cấp… mà thui chột tài năng của họ. Người nào giỏi giang, cứ ra ứng cử khoa bảng mà giúp đời, giúp nước, giúp dân. Lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu đại quan được truyền tụng, cũng có xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn đấy chứ.

Như Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nói: “Một cậu bé chăn trâu trở thành Trạng Nguyên, một anh thợ cày thi đậu Bảng Nhãn, hoặc một chú tiều phu đề danh Thám Hoa là biểu tượng của những điều tốt đẹp nhất mà ai cũng mơ ước. Thế nhưng, khi “hạt giống đỏ” đã có mặt, thì mọi thứ phải khác và sẽ khác. Dù bệ phóng từ truyền thống gia đình rất quan trọng, nhưng theo tôi, “hạt giống đỏ” không có nghĩa là bố cõng con vào quan trường…”.

Chính thực tiễn yêu cầu công tác cán bộ cần có cách đổi mới theo hướng phát hiện được, trọng dụng, và quan trọng là phát huy được trí tuệ, năng lực và cả nguồn cảm hứng của đội ngũ cán bộ hiện có, đặc biệt là những cán bộ tài năng ở cương vị lãnh đạo.

Khi và chỉ khi khả năng sáng tạo của từng cá nhân được khuyến khích tuyệt đối, thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc thịnh vượng.

Sông Trà

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều