Không để cho dân đói trong đại dịch
Thật cảm động trước tâm niệm của Tổng bí thư khi ông nói trong dịch không cho phép có người bị bỏ lại phía sau. Chủ tịch nước khẳng định: Không được để dân đói. Và Công điện của Thủ tướng nêu không để người nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Mấy hôm nay, có ai không nhói lòng khi chứng kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng dòng người rời TP.HCM để trở về quê hương bản quán. Họ rời đi bằng mọi phương tiện có thể: Xe máy, xe đạp, xe ba gác, thậm chí cả đi bộ.
Bản năng sinh tồn của con người thật kỳ diệu. Không thể tiếp tục ở lại nơi ta đã sống bao năm qua, nơi ta có công ăn, việc làm, có tiền và thậm chí còn dư dật chút ít gửi về quê hương thì phải đi thôi.
Ở lại mà không có việc làm, không có thu nhập thì lấy gì trang trải cuộc sống hàng ngày, mà trước hết là lo bữa cơm, lo tiền nhà trọ, tiền điện, nước… Cho nên trong rất nhiều kế, kế hồi hương là thượng sách. Đa số chúng ta đang bình an tại gia mà rơi vào hoàn cảnh như vậy chắc cũng làm theo là hồi hương. Đã lâu lắm rồi mới lại chứng kiến một cuộc hồi hương quy mô lớn đến như vậy.
Ở lại có nghĩa là đói, thậm chí nguy cơ chết đói. Trước đây 2 năm, khó có thể hình dung câu chuyện chết đói trong xã hội ta hiện tại. Nhưng dịch bệnh Covid đảo lộn nhiều thứ. Không chỉ ta mà nhiều nước khác cũng như vậy. Chẳng hạn ở Mỹ, hiện tại 6,5 triệu hộ gia đình với 15 triệu người đang bị đe dọa buộc phải ra khỏi nhà do nợ tiền thuê nhà. Dịch bệnh có nghĩa là không việc làm và tất nhiên lấy đâu ra tiền mà trả tiền thuê nhà.
Những hộ gia đình này nhờ chính sách của nhà nước là trong thời gian dịch Covid, cho dù nợ tiền thì chủ nhà cũng không thể đuổi họ ra khỏi nhà đang thuê. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực từ 31/7 và nguy cơ bị buộc ra khỏi nhà đang thuê là hiện hữu.
Trở lại câu chuyện của ta là đói. Cho nên xã hội thật cảm động và đánh giá cao tâm niệm, tình cảm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông nói trong đại dịch không cho phép có người bị bỏ lại phía sau. Tương tự như vậy là khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây tại TP.HCM: Không được để dân đói, không để dân cùng cực. Thật chí tình, chí lý khi ở đây vị nguyên thủ quốc gia nói rất rõ câu chuyện đói, câu chuyện cùng cực của dân.
Cũng một tinh thần nhân văn và trách nhiệm vì dân, Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác định rõ, hết sức cụ thể việc tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Tôi ước ao giá như mấy phương châm, mấy chỉ đạo này được triển khai thực sự, triển khai mạnh hơn trong cuộc sống thì chắc gì đã có cuộc hồi hương đang diễn ra. Nếu ở lại mà không chết đói thì bạn có ở lại không?
Chính quyền sát dân
Vậy thì vấn đề là biến chuyện không thể để dân đói thành hiện thực như thế nào? Mà cái này thực sự phải nghĩ tới, bởi theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ không cho phép người dân tự ý rời địa phương. Sau 1/8, về nguyên tắc người dân không thể tự ý từ TP.HCM về lại quê hương như mấy ngày trước đó. Hơn nữa, câu chuyện không để dân đói trong đại dịch không phải là câu chuyện của riêng TP.HCM.
Ai chịu trách nhiệm không để dân đói khi họ buộc phải ai ở đâu ở đó? Chỗ này mới là chỗ theo tôi nghĩ đúng nghĩa của cụm từ ta quen nghe bao lâu nay: Phải buộc cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trước hết là mấy bác chức sắc phường. Đảng ủy, ủy ban nhân dân, công an…, tóm lại các lực lượng của phường có nắm được trong phường mình bao nhiêu người sắp đói, đang đói, thậm chí là sắp chết đói hay không?
Chính quyền sát dân hay không là ở chỗ này. Phường nào không nắm được thì cũng nên có biện pháp nhân sự luôn cho nhanh. Phường nắm rõ con số thì tiền đâu ra? Chắc là phải quận, thành phố và cả người dân bình thường của thành phố, thậm chí cả nước. Nói như vậy tức là nói đến chính sách giúp đỡ.
Tôi không có số liệu hộ gia đình kiểu này nên không thể võ đoán ra một chính sách hỗ trợ, giúp đỡ được để tính áp lực lên ngân sách nhà nước. Nhưng cuối cùng vẫn là chính quyền chi bao nhiêu tiền cho đầu dân, đầu hộ gia đình kiểu này. Chỉ nên nhớ rằng nếu để dân hồi hương như hiện nay thì tổng chi phí xã hội phát sinh cũng không hề nhỏ mà nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao. Chi phí tính chi li ra sẽ không hề ít.
Hãy để cả xã hội vào cuộc, nhưng trước hết là trách nhiệm của chính quyền. Hãy lo thực hiện cho được không để dân đói, không để dân cùng cực trong đại dịch.
Đinh Duy Hòa