+
Aa
-
like
comment

“Không có người cha nào làm hại con gái mình”, niềm tin có ngây thơ?

Phạm Khoa - 23/08/2022 11:30

Hình ảnh bị cáo Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh) trong đại án Bình Dương trước tòa ngày 16/8 với lời khai: “Bị cáo tin rằng nếu biết việc ký tên đó cấu thành tội tham ô tài sản, ba của bị cáo không bao giờ yêu cầu làm không có người cha nào hại con như thế” gây ám ảnh bao người. 

Hình ảnh bị cáo Nguyễn Thục Anh trước tòa, chính cha của bị cáo đã đẩy con gái đến trước vành móng ngựa bằng chiếc thìa vàng. Người con gái đến hôm nay vẫn một mực tin rằng “Không có người cha nào làm hại con gái mình cả”.

Hàng loạt các vụ án kinh tế gần đây cho thấy, ngoài bị can chủ chốt, những người có mối quan hệ gia đình với họ như vợ chồng, con cái, anh chị em… cũng bị truy tố với vai trò đồng phạm. Như vụ án Công ty địa ốc Alibaba, gần 6.700 khách hàng bị lừa đảo bởi một gia đình không thể liều lĩnh và tham lam hơn gồm: Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), và các em trai Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực. Trong thời gian 3 năm 2017 – 2019, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo cho vợ và các em trai thực hiện hàng loạt hành vi mua bán đất nông nghiệp, lập hơn 50 dự án ma, nhận và đẩy tiền của khách hàng chạy lòng vòng giữa các công ty “sân sau” mà họ đứng tên. Cho nên, không ngạc nhiên khi Luyện bị khởi tố bắt tạm giam thì các em trai và vợ của bị can này cũng chịu chung số phận. Hay như vụ tập đoàn FLC, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, các em ruột ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thúy Nga cũng bị cáo buộc đồng phạm, giúp sức anh trai thao túng thị trường chứng khoán.

Nhìn qua các vụ án kể trên có thể thấy, điểm chung ở đây là hành vi phạm tội đều diễn ra trong những mảng nóng của nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán. Những lĩnh vực này có tỉ suất lợi nhuận cao, nhiều kẽ hở pháp luật chưa được “trám” lại nên dễ lách, dễ khai thác. Chủ mưu thường lôi kéo người nhà thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nhiều lần, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ở phía ngược lại, người nhà của chủ mưu cũng tham gia giúp sức chủ mưu tích cực.

Từ cô chiêu “ngậm thìa vàng” Nguyễn Thục Anh đến Thạc sĩ Trịnh Thúy Nga, lý do tham gia vào câu chuyện phạm pháp liệu có khác nhau?

Bỏ qua các yếu tố khác biệt về xuất thân hay nhận thức cá nhân, ta nhận thấy các bị can, bị cáo liên đới trong các vụ án này thường bị chi phối bởi người đứng đầu gia đình như cha, anh trai, chồng… Họ đứng tên các cơ sở, công ty con, công ty “sân sau” để người thân có thêm cơ hội mở rộng kinh doanh, lách luật, phục vụ cho mục đích làm giàu. Tuy vậy, trong quá trình này, ranh giới giữa lách luật và phạm luật vô cùng mong manh. Từ mục đích ban đầu là kiếm lợi từ kẽ hở luật pháp, họ nhanh chóng trở thành những đồng phạm cùng người thân vi phạm pháp luật, gây hại cho nền kinh tế và xã hội.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại tòa.

Dưới góc độ của các chủ mưu, dùng “người nhà” còn dễ bề thao túng, tránh được những phản ứng trái chiều khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vì cùng chia sẻ lợi ích…Ngoài ra, lợi dụng mối quan hệ gia đình, các bị can, bị cáo sẽ dễ dàng bao che, chối tội, gây khó khăn hơn cho cơ quan điều tra.

Trở lại với câu nói của bị cáo Nguyễn Thục Anh trước tòa, về việc bị cáo này không biết gì, chỉ đơn thuần đứng tên doanh nghiệp giúp ba mình, ta thấy vừa phi lý, nhưng lại cũng đáng suy ngẫm. Bất kỳ ai, khi bước qua tuổi 18, có đầy đủ tư cách công dân đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không thể đổ lỗi cho ai xúi giục, hay vì “niềm tin” cảm tính mà phạm tội.

Chỉ có thể nói rằng, 5.000 tỉ của đại án Bình Dương, 2.650 tỉ của địa ốc Alibaba, hay 530 tỉ đồng vụ FLC là những con số không thể cưỡng với một số người, trở thành lý do, cũng là động cơ để thực hiện hành vi phạm pháp.

Qua đó, cũng thấy, pháp luật trong các lĩnh vực nóng, cần có chế tài nghiêm ngặt hơn, kiểm soát việc hình thành các công ty con, công ty “sân sau” của các tập đoàn một cách khoa học, ngăn chặn hiệu quả các mưu đồ trục lợi, gây hại cho xã hội và nền kinh tế ngay từ trứng nước.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều