+
Aa
-
like
comment

Không cam phận làm thuê

10/12/2020 09:16

Khi chỉ chiếm lĩnh được vỏn vẹn công đoạn gia công lắp ráp, chúng ta đã thất thế ở các khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị, từ phát minh, sáng chế, thiết kế, phân phối… 

Việt Nam gần đây ký hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (The Regional Comprehensive Economic Partnership RCEP) bao gồm 15 thành viên 10 quốc gia ASEAN cùng 5 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Đây là tiến trình chông gai của 8 năm đàm phán, mở ra thêm cơ hội cho nền kinh tế tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP hơn 26 nghìn tỷ đô la, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

Toàn cầu hóa mạnh mẽ 

Cùng với EVFTA, CPTPP và nhiều các FTA khác ký trước đây, RCEP tuy chưa được coi là FTA thế hệ mới góp phần hiện thực hóa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế được đề ra xuyên suốt từ Đại hội 9 đến nay. Với 14 FTA được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở bậc nhất thế giới khi tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng năm đã lên tới gần 200% GDP. Chúng ta đã mở toang cửa ra với thế giới.

Khỏi phải nói những lợi ích mà các FTAs mang  lại: Xuất khẩu được thuận lợi hơn tới các thị trường nước ngoài, dòng vốn FDI vào nhiều hơn cùng với kỹ năng quản trị và quan trọng nhất là cải cách trong nước cũng phải thực chất hơn do tuân thủ các cam kết hội nhập.

Đó là kết quả của chủ trương phát triển rất lớn, nhất quán để đất nước hội nhập vào xu hướng toàn cầu hóa không thể đảo ngược. Đây cũng là bài học của thời kỳ đất nước bị cô lập hóa khỏi cộng đồng quốc tế đầy khó khăn, cũng như những kinh nghiệm của cha ông cách đây 2 thế kỷ đã không mở cửa, giao lưu với thế giới bên ngoài.

Việt Nam sản xuất được gì?

Mặc dù vậy, cá nhân tôi vẫn có nhiều băn khoăn. Trong bối cảnh mở cửa toang ra như vậy, thuế nhập khẩu về 0% với gần như tất cả các mặt hàng, từ tiêu dùng đến tư liệu sản xuất, chúng ta có còn cơ hội xây dựng các ngành công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo, trong nước?

Cá nhân tôi không đủ trình độ để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi nhận thức là nếu chúng ta không xây dựng được ngành công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, thì chúng ta sẽ mãi chỉ nhập khẩu linh kiện để về gia công, lắp ráp tức điểm thấp nhất của chuỗi giá trị toàn cầu; chúng ta mãi chỉ là thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nước ngoài, và vẫn mãi chỉ giữ thân phận làm thuê ngay chính trên quê hương mình.

Không cam phận làm thuê
Không có công nghiệp phụ trợ, không có công nghiệp ô tô thì đừng mong làm gì

Khi chỉ chiếm lĩnh được vỏn vẹn công đoạn gia công lắp ráp, chúng ta đã thất thế ở các khâu quan trọng nhất của chuỗi giá trị, từ phát minh, sáng chế, thiết kế, phân phối… những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất, tiền lương cao nhất.

Suốt từ những năm 2000, Việt Nam đã luôn luôn thực hiện chính sách bảo hộ cho ngành công nghiệp ô tô. Việt Nam áp thuế suất rất cao lên ô tô nhập khẩu với hy vọng dành thị trường cho các nhà lắp ráp nước ngoài, nhưng lại cấp phép cho hàng chục thương hiệu ô tô nước ngoài làm cho thị trường bị xé nhỏ, băm nát.

Kết quả là đến nay, khi đã mở cửa hoàn toàn với ASEAN, Việt Nam vẫn không có ngành công nghiệp ô tô. Có vài ba doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đang hoạt động nhưng họ đang gặp tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc vì hội nhập.

Linh kiện nhập khẩu về để lắp ráp ra ô tô vẫn phải chịu thuế cao trong khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về từ Thái Lan hay Indonesia thì thuế 0%. Giá chiếc ô tô lắp ráp trong nước cao hơn giá ô tô nhập khẩu ở nước ngoài thì không thể nói là đầu tư, sản xuất có hiệu quả được.

Không có công nghiệp phụ trợ, không có công nghiệp ô tô thì đừng mong làm gì cả. Cả nước thắt tim vì đại dịch Covid-19 nhưng nhìn quanh cũng chỉ có 1 doanh nghiệp lắp ráp ô tô có năng lực làm ra máy thở.

Doanh nghiệp nào của Việt Nam có năng lực làm ra tấm pin mặt trời, làm ra quạt gió khi các dự án năng lượng tái tạo đang mọc như nấm sau mưa và được các nhà môi trường đặc biệt khuyến khích? Không ai cả!

Tôi từng đến vài dự án điện gió thì thấy, tất cả các công đoạn, từ bán thiết bị, lắp đặt và kể cả vận hành sau này đều được các công ty nước ngoài đảm nhận. Các chủ đầu tư Việt Nam chỉ đơn thuần là xây vài văn phòng để quản lý hành chính mà thôi.

Mà nhìn rộng ra, có lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nào thành công?

Nhìn lại kế hoạch công nghiệp hóa

Hơn một thập kỷ trước đây, tập đoàn đóng tàu Vinashin sụp đổ, cuốn theo núi nợ 86.000 tỉ đồng. Trong cả thập kỷ trước đó, với sự tăng trưởng thần kỳ tới 40% mỗi năm, Vinashin được kỳ vọng sẽ trở thành con chim đầu đàn trong phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.

Kỳ vọng đó được đặt ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu bùng nổ và Việt Nam cần có các tập đoàn công nghiệp lớn, mạnh, cạnh tranh quốc tế ngay từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người bị lôi cuốn bởi mô hình Chaebol của người Hàn.

Không như mô hình Chaebol thuộc sở hữu tư nhân, các tập đoàn nhà nước có quản trị yếu kém. Vinashin sụp đổ cũng là lẽ đương nhiên khi được ngập trong tiền, mở rộng tràn lan lại gặp khủng hoảng kinh tế. Sự sụp đổ của tập đoàn này và vài tập đoàn khác như Vinalines đã để lại hệ lụy rất lớn trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020 trong cả thập kỷ vừa rồi.

Gần đây có nhận định khá lạc quan: “Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới”. Bổ sung cho nhận định này là các con số: Năm 2019, dệt may xuất khẩu 32,8 tỉ USD, đứng thứ 7 thế giới; da giày xuất khẩu 18,3 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới; điện thoại di động xuất khẩu 51,4 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới; thuỷ sản chế biến xuất khẩu 8,5 tỉ USD, đứng thứ 4 thế giới; đồ gỗ xuất khẩu 10,7 tỉ USD, đứng thứ 5 thế giới.

Các con số trên thì quả là to, nhưng người Việt Nam kiếm được bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng trong đó? Có lẽ trừ ngành thủy sản (thực tế là các doanh nghiệp phải nhập nguyên vật liệu nước ngoài về sản xuất), trong các ngành khác chúng ta chỉ đơn giản là nhập khẩu nguyên liệu về để kiếm chút công ăn việc làm, kiếm ít thuế, phí hay tiền cho thuê đất, tiền điện giá rẻ.

Mà đó là chưa kể, khu vực FDI đang chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% giá trị xuất khẩu trong nhiều năm nay, chứng tỏ, họ đã giành phần lớn miếng bánh, doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn lại phần ít mà thôi.

Doanh nghiệp FDI chuyển 19 tỷ USD lãi ròng về nước mỗi năm

Trước đây, Liên Xô từng rất chí tình giúp Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa bằng nhà máy công cụ số 1, nhà máy cơ khí chế tạo động cơ Trần Hưng Đạo, nhà máy động cơ diesel Sông Công. Tiệp Khắc giúp cho nhà máy khoá Minh Khai, Đức giúp nhà sợi, nhà máy Kim Cầu. Tiếc thay, đến nay gần như tất cả các cơ sở đó đã biến mất, và nền móng công nghiệp đó lụn bại đi thay vì vươn lên để có một nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2018 xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Những doanh nghiệp nhà nước nào, những doanh nghiệp tư nhân nào, hay nói đúng hơn là những doanh nghiệp dân tộc nào sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đó?

Cửa đã mở toang, năng lực sản xuất yếu kém, cơ hội leo lên chiếm lĩnh vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị ngày càng khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là “nút thắt” của phát triển… Chả lẽ người Việt Nam chúng ta cứ ngụp lặn ở khâu gia công, lắp ráp, nai lưng làm thuê với đồng lương rẻ mạt, làm giàu cho người ngoài ngay tại quê hương mình?

Xin nhắc lại, các nhà kinh tế thống kê: Mỗi năm các doanh nghiệp FDI chuyển tới 19 tỷ USD lãi ròng về nước. Nếu doanh nghiệp chúng ta mạnh lên thì chắc chắn chúng ta sẽ kiếm được không ít phần từ miếng bánh đó để có tiền xây dựng các công trình hạ tầng, làm giàu cho đất nước, quê hương.

Tư Giang/ VNN 

Bài mới
Đọc nhiều