+
Aa
-
like
comment

Khi “Trái táo cắn dở” rơi trúng tay người Việt!

Minh Thanh - 26/09/2022 15:28

Để cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Apple dự định sẽ chuyển hoạt động sản xuất AirPods và iPad sang Việt Nam. Đồng thời, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất iPad chính tại khu vực Châu Á.

Apple Park, trụ sở 5 tỉ USD của Apple được biết đến là tòa nhà đắt thứ 3 trên toàn thế giới.

Trước đó, hơn 90% sản phẩm đến từ thương hiệu “Trái táo cắn dở” đều được sản xuất bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi mà CEO của công ty nhận thấy được những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn mà thị trường này mang lại. Đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ Trung Quốc liên tục áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19. Nổi bật nhất trong số đó chính là việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất linh kiện cho Apple tại Thượng Hải.

Điều này đã đẩy “nhà Táo” rơi vào tận cùng của khó khăn khi mà hơn một nửa nhà cung cấp chính của thương hiệu này đều tập trung ở thành phố Thượng Hải. Apple buộc phải tìm cách áp dụng các biện pháp bổ sung để kịp tiến độ ra mắt dòng sản phẩm mới. Công ty yêu cầu các nhân viên phải sinh hoạt và làm việc ngay trong nhà máy với một quy trình khép kín. Việc bị cách ly lâu ngày với xã hội, phải sống trong một không gian hạn chế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Các vụ xô xát, đình công của công nhân nhà máy liên tục nổ ra khiến các lãnh đạo của Apple phải đau đầu tìm cách giải quyết.

Chính sách Zero Covid của Trung Quốc gây nhiều khó khăn cho Apple

Theo thống kê của Apple, thương hiệu này chịu thiệt hại hơn 8 tỷ USD trong Quý 2/2022, sau khi Trung Quốc phát động chiến dịch “Zero Covid” tại Thượng Hải. Số lượng Macbook bán ra giảm đáng kể do khách hàng phải đợi đến tận 2 tháng mới có thể nhận được sản phẩm. Do đó để giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân, các nhà lãnh đạo của “Táo khuyết” đã lên kế hoạch dịch chuyển toàn bộ dây chuyền cung ứng sản xuất iPad và AirPods sang Việt Nam.

Hiện tại Apple vẫn chưa có đại lý chính thức nào tại Việt Nam nên sản phẩm chủ yếu được phân phối thông qua các đối tác chính thức. Việt Nam cũng là một trong những thị trường hiếm hoi tại châu Á chưa có cửa hàng Apple Store nào. Trên thực tế vào năm 2016, “nhà Táo” từng có ý định đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam bởi nước ta vốn là “đại bản doanh” của nhiều ông lớn trong ngành sản xuất smartphone như Samsung, LG… Trước đó, Foxconn đối tác sản xuất linh kiện điện tử số 1 của Apple cũng đã có nhà máy sản xuất đầu tiên ở Việt Nam với quy mô hơn 30.000 lao động địa phương.

Tuy nhiên, dù được xếp vào trong 10 thị trường tiềm năng của Apple trên toàn cầu thế nhưng kể từ năm 2016 đến nay, kế hoạch đầu tư vào Việt Nam của “nhà Táo” vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tiến triển. Trong đó, nguyên nhân chính là do nền kinh tế, mức sống và sức mua của người Việt Nam chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn mà thương hiệu này đặt ra. Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH với mức lương bình quân đạt 7,54 triệu đồng/tháng (năm 2020), người tiêu dùng Việt phải mất tận 4 tháng mới có thể mua được một chiếc iPhone mới. Trong khi con số này đối với những quốc gia phát triển khác chỉ dừng ở mức từ 5 ngày cho đến 1 tháng.

Nhà máy sản xuất linh kiện của Foxconn tại Bắc Giang

Bên cạnh đó, mặc dù có lượng người mua lớn nhưng đa số người Việt Nam đều chỉ chọn mua những chiếc điện thoại tầm trung dao động từ 5-10 triệu đồng. Trong khi những chiếc iPhone với mức giá từ 799 – 1.099 USD được đánh giá là vô cùng đắt đỏ và xa xỉ chỉ phù hợp với tầng lớp thượng lưu, các doanh nhân, nhà đầu tư tài chính. Đó cũng chính là lý do vì sao mà mặc dù rất nổi tiếng tại Việt Nam thế nhưng Apple cũng chỉ chiếm có 8,4% thị phần và đứng sau hàng loạt thương hiệu khác như Samsung, Oppo, Vivo…

Mặc dù vậy, sau khi nhận “trái đắng” từ Trung Quốc,  Apple đã quyết định tìm đến một thị trường khác để thay thế. Và Việt Nam chính là một trong những sự lựa chọn ưu tiên của thương hiệu này. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam nổi lên như là một trong những trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) quan trọng của Apple. Đặc biệt, là đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ như Apple Watch, Mac, iPad…

Hiện Apple đang có kế hoạch “giao” cho Việt Nam sản xuất 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Điều này sẽ giúp Việt Nam bứt phá và trở thành một trong những trung tâm sản xuất AirPods chính của Apple tại khu vực châu Á. Đồng thời, đây cũng là một cách để giúp kích thích số lượng người mua các sản phẩm Apple, góp phần tăng độ phủ sóng và thị phần của thương hiệu này tại thị trường Việt.

Minh Thanh

Bài mới
Đọc nhiều