+
Aa
-
like
comment

Khi lịch sử bị “loại bỏ hợp pháp”

Bảo An - 28/04/2022 11:19

Đâu đó câu nói: “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Vậy nhưng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa Lịch sử thành một môn học tự chọn trong chương trình trung học phổ thông. Liệu rằng đây có là hành động “bắn quá khứ bằng súng lục” hay không?

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi băn khoăn trước việc môn học Lịch sử sẽ trở thành môn tự chọn đối với học sinh trung học phổ thông từ năm học 2022 – 2023. Đây là kết quả của chương trình cải cách giáo dục do Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì. Thực tế, trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và đào tạo liên tục tiến hành cải cách nhưng kết quả lại không đạt như mong đợi.

Xung quanh vấn đề bỏ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục bắt buộc, có cả những ý kiến ủng hộ nhưng cũng có không ít ý kiến phản đối. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có thông cáo báo chí để giải thích cho sự vắng bóng của môn Lịch sử trong chương trình học bắt buộc ở trung học phổ thông. Vậy nhưng rõ ràng những lo ngại về việc “bỏ rơi” lịch sử vẫn rất lớn.

Bản thân không phải là người yêu môn học Lịch sử khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Thậm chí, đã nhiều khi bị ám ảnh, sợ hãi bởi môn học Lịch sử. Điều này không phải vì lịch sử Việt Nam không hay, không tốt, không tích cực. Vấn đề ở đây là do phương pháp, cách thức dạy học và đánh giá kết quả học tập môn Lịch sử chưa thực sự phù hợp. Người học đã trở thành “nô lệ” của môn Lịch sử. Vậy nên, quyết định này của Bộ Giáo dục có thể sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không ít học sinh. Đây là “cái lợi” trước mắt. Vậy nhưng liệu rằng người ta đã tính toán đến lỗ hổng về lịch sử của học sinh trong tương lai hay không?

Đơn cử như trước những cuộc “xâm lăng văn hoá” từ bên ngoài, một bộ phận người trẻ Việt thuộc lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hơn lịch sử của chính dân tộc mình. Vậy nếu môn Lịch sử được “loại bỏ” một cách hợp pháp trong chương trình học phổ thông thì điều gì sẽ xảy ra?

Thay vì bỏ môn Lịch sử, tại sao người ta không thay đổi cách thức tiếp cận, giảng dạy, đánh giá kết quả học môn Lịch sử? Nếu không muốn tạo áp lực về điểm số cho học sinh, Bộ Giáo dục có thể thiết kế cách đánh giá môn Lịch sử ở mức đạt hay không đạt. Cùng với đó, cần có thay đổi về nội dung chương trình. Viết sử không chỉ là tường thuật một cách khô khan các sự kiện đã diễn ra mà phải khơi dậy sự oai hùng, linh thiêng của lịch sử dân tộc. Lịch sử phải giúp học sinh nắm được tinh thần lịch sử, hiểu thấu đớn đau của những kiếp lầm than, mang hơi thở của lịch sử hoà vào dòng chảy hiện đại. Lịch sử phải bảo đảm sự khách quan, giúp người học thấy được mặt tích cực, đúng đắn cũng như những sai lầm, hạn chế trong từng vấn đề để rút ra những bài học kinh nghiệm.

Lịch sử không thể là môn học tự chọn. Bởi đã là “chọn” thì chứa đựng đầy sự ngẫu hứng, cảm tính. Thậm chí, tại thời điểm chọn, người ta cũng không thể biết trước được điều này là đúng hay sai trong tương lai. Đứng ở vai trò dẫn dắt, điều hành, quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải định hướng rõ ràng về vấn đề này.

Đại hội 13 của Đảng đã đặt ra định hướng: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc”. Ấy vậy nhưng nếu chúng ta không biết, không hiểu, không yêu lịch sử dân tộc thì lấy cái gì để “khơi dậy”, lấy cái gì để “tự hào”?

Và rồi, khi nhiều người Việt “trắng sử” thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu rằng người ta có còn thấy cái hay của truyện Kiều, thấy được sự oai hùng của “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Dường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”? Liệu rằng vai trò lãnh đạo của cha ông trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc có bị đưa vào quên lãng? Liệu rằng con đường phát triển của Việt Nam có đúng định hướng đã lựa chọn hay không?

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều