+
Aa
-
like
comment

Khi Bộ trưởng muốn nhường ghế cho ĐBQH chuyên trách

Thế Khoa - 18/11/2019 09:39

Mới đây, phát biểu về dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng “Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh không nhất thiết phải làm ĐBQH nên nhường ghế này để Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách mà không làm phình to bộ máy”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà một vị đương kim Bộ trưởng chia sẻ như vậy, bởi theo lời Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Giàu từng đưa ra có số thống kê “không ngày nào vắng dưới 30 người; có ngày vắng 100 người; có đoàn vắng 50% số đại biểu; vắng ngay cả trong ngày biểu quyết. Trong số các ĐBQH vắng họp, tỷ lệ đại biểu là các thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, thành phố là nhiều nhất”. Một cuộc họp quan trọng liên quan đến việc trọng đại của đất nước và người dân mà số ĐBQH vắng mặt nhiều đến vậy thì cử tri còn trong mong gì những bức xúc của họ được giải quyết thấu đáo đây? Ngân sách bỏ ra để các ĐBQH họp bàn chuyện quốc gia mà nay vắng bà này, mai thiếu ông kia, sự lãng phí này ai phải chịu trách nhiệm?

Nhiều đại biểu vắng mặt trong các phiên họp

Nói đi cũng nói lại, cũng khó cho các đại biểu kiêm nhiệm phải tham dự đầy đủ các phiên họp được. Một năm Quốc hội họp hai kỳ, mà mỗi kỳ lại kéo dài cả tháng trời. Trong khi đó, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thì hàng ngày, hàng giờ có biết bao nhiêu chuyện ở ngành, địa phương cần được xử lý ngay, rồi họp hành phân công công tác, phê duyệt công văn, giấy tờ… Như lời một nữ ĐBQH ngồi cạnh một ĐB là Chủ tịch UBND một tỉnh xa tâm sự rằng thương vị đồng nghiệp của mình vì “hôm nào lên nghị trường họp cũng phải mang theo cả lô tài liệu để đọc, duyệt, cho ý kiến, ký. Có nhiều việc gấp thì cán bộ văn phòng lại phải đi mấy trăm cây số mang văn bản ra Hà Nội để Chủ tịch ký”. Là những tư lệnh ngành, người đứng đầu địa phương, với trọng trách và khối lượng công việc rất lớn, nên khi kiêm nhiệm thêm ĐBQH là “vừa xay lúa vừa ẵm em”, thời gian để cân đối hai công việc chẳng dễ dàng gì.

Và quan trọng hơn, vấn đề ở đây không chỉ là thời gian họp ít hay nhiều, mà còn là chuyện chồng chéo chức năng, xung đột lợi ích, vừa đá bóng, vừa thổi còi. Là một Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ vừa là thành viên trong khối hành pháp, là những người bị giám sát, cũng vừa giữ vai trò trong khối lập pháp, trở thành người thực hiện quyền giám sát. Như lời của một ĐBQH nói “đôi khi ĐBQH thuộc hành pháp sẽ phải đội hai mũ mà đôi khi không biết nên nói theo mũ nào”. Hay khi ông Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phát biểu như thế nào về yếu kém của địa phương mình, hoặc nói về tỉnh thành khác, liệu có đụng chạm nhau không? Nếu như Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cảm thấy khó xử khi vừa phải đóng vai hành pháp, vừa đóng vai tư pháp thì hẳn nhiên đây phải là tâm tư của nhiều người. Vậy nên để tránh xung đột lợi ích như trên thì việc giảm ĐBQH kiêm nhiệm có thể lấy giải pháp của tư lệnh ngành TN&MT để giải quyết vấn đề.

Đã có không ít câu hỏi về chuyện trên nghị trường các tư lệnh ngành, hay người đứng đầu địa phương sẽ đóng vai nào?

Việc một vị Bộ trưởng mạnh dạn, thẳng thắn nói về thực trạng của những người “một gánh hai vai”, đề xuất nhường ghế cho các ĐBQH chuyên trách, đã có ý nghĩa hơn, sẽ trở thành tiền đề cho một điều luật quy định các thành viên Chính phủ không đảm nhiệm vị trí ĐBQH. Đồng thời giúp cho các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương toàn tâm toàn ý hoàn thành chức trách của họ, không bị chi phối thời gian, lên chốn nghị trường lại gật gù vì mất ngủ. Hoặc ít nhất đây cũng là một tiền đề thay đổi cơ cấu quốc hội để không quá nhiều vị trí nhầm chỗ, “cả kỳ họp chẳng có một lời đóng góp nào” như lời của một ĐBQH chia sẻ.

Thiết nghĩ, để các ĐBQH thực sự là của dân, do dân và vì dân, đại diện cho tiếng nói của cử tri cần nhiều đại biểu chuyên trách nhiệt huyết với vận mệnh đất nước tham gia. Đó có thể là những cựu chiến binh, những doanh nhân, nhà khoa học, hoặc những vị lãnh đạo đã về hưu, thậm chí là những người không phải là đảng viên… Bên cạnh cơ chế đề cử, thì cũng nên đẩy mạnh cho những người tự ứng cử, không nhận sự ủy nhiệm của ngành, bộ nào.

Chỉ có như vậy thì Quốc Hội mới thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất như hiến pháp đã hiến định. Và sẽ không còn chuyện ĐBQH trong lúc họp phát biểu phê bình một vị Bộ trưởng, tới trưa bị Bí thư tỉnh ủy gọi điện mắng xối xả nữa. Hy vọng, những góp ý của người dân về Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được tiếp thu, đi vào thực tiễn cuộc sống, để nghị trường hoạt động thực chất, và hơn hết là ĐBQH đại diện tiếng nói của người dân hoạt động hiệu quả hơn chứ không phải là cho có đủ số lượng, gây tốn kém, lãng phí ngân sách.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều