+
Aa
-
like
comment

Khi bệnh viện công làm ăn chạy theo dịch vụ

21/08/2019 20:25

Bệnh viện công được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Thực tế này có thể đẩy dịch vụ khám chữa bệnh công trở thành khám chữa bệnh tư bất cứ lúc nào…

Chất lượng khám chữa bệnh chưa cải thiện đã vội chay đua theo dịch vụ

Mới đây, theo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập của Bộ Y tế, đối với dịch vụ ngày giường bệnh, giá tối đa mà bệnh viện có thể đặt ra là 4 triệu đồng/ngày đối loại 1 giường/1 phòng. Chỉ riêng chi phí giường bệnh đã lên tới 4 triệu đồng – con số khiến không ít người phải giật mình. Bệnh viện công bây giờ “đắt” thế hay sao?

Ngay sau khi truyền thông đưa tin, dư luận đã có những phản ứng trái chiều về vụ việc. Đại diện của Bộ Y tế ngay sau đó đã phải lên tiếng giải thích về việc thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Tuy nhiên, những lời giải thích được đưa ra lại chỉ mang tính biện minh và khá phiến diện.

Ngược!

Hiểu một cách đơn giản nhất thì dịch vụ công là một chức năng vô cùng quan trọng của Nhà nước đối với xã hội. Trong đó, đặt ra mối quan hệ giữa một bên là cung về dịch vụ công mà đại diện là nhà nước, và một bên là cầu về dịch vụ công mà đại diện là đòi hỏi của mọi người dân trong xã hội.

Khám chữa bệnh tại bệnh viện công là một trong những loại dịch vụ công phổ biến và quan trọng hàng đầu tại Việt Nam. Vậy, dịch vụ khám chữa bệnh công phải được dành cho tất cả mọi người, tất cả mọi tầng lớp trong xã hội mà không có sự phân biệt, đối xử.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, dù đời sống xã hội đã được dần được cải thiện và nâng cao, nhưng tầng lớp lao động nghèo vẫn chiếm đa số. Những công nhân lao động chân tay với tiền lương ít ỏi, những cán bộ nhà nước lương ba cọc, ba đồng;… sẽ làm thế nào để hưởng dịch vụ tốt tại bệnh viện công nếu giá dịch vụ đang dần tăng tiến theo thị trường? Nếu khám chữa bệnh công chạy theo dịch vụ, nâng cao mức tiền thì có phải là đang tiến tới phân biệt, đối xử với phần đông xã hội này không? Liệu có đang đi ngược lại với bản chất của một loại hình dịch vụ công, đi ngược lại với chức năng quan trọng hàng đầu của Nhà nước?

Bộ Y tế lên tiếng lý giải rằng đưa ra giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công để có đa dạng hình thức khám chữa bệnh, để người dân được chăm sóc toàn diện,… Nhưng, Bộ Y tế có suy nghĩ lại chất lượng dịch vụ hiện tại với “người nghèo” đã tốt hay chưa? Thực tế không hiếm cảnh người bệnh phải nằm chung giường do bệnh viện quá tải, không thiếu trường hợp thiếu thuốc, thiếu bác sĩ,… Mà cũng chính vì quá tải, chật chội, người ta mới phải chi trả thêm tiền để được nằm giường dịch vụ tốt hơn. Phải chăng, tiếp tục phát triển loại hình dịch vụ là để móc túi, kinh doanh trên thực trạng khám chữa bệnh khó khăn, thiếu thốn?

Nguồn lực của bệnh viện cũng chỉ có từng nào, khi chú trọng đầu tư cho dịch vụ theo yêu cầu thì nghiễm nhiên việc khám chữa bệnh thông thường sẽ được đầu tư ít hơn hoặc “bỏ ngỏ”… Thị trường hóa dịch vụ khám chữa bệnh như vậy sẽ khiến y đức xói mòn, suy thoái. Cứ với tình hình này, rồi bệnh viện công sẽ không thể phục vụ được cho người nghèo hay nói cách khác, người nghèo không còn là đối tượng được ưu tiên trong các dịch vụ công.

Mặt khác, hãy thử liên hệ thực tế về giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày. Ở Việt Nam cũng không thiếu người có khả năng chi trả. Thậm chí, có những người có thể chi trả mức tiền cao hơn để được hưởng sự chăm sóc tốt hơn. Minh chứng rõ ràng ở con số mà Bộ Y tế đưa ra là hàng chục nghìn lượt người bệnh đã chọn nước ngoài làm nơi khám chữa bệnh. Tầng lớp giàu cơ hơn trong xã hội, họ hoàn toàn có quyền trả 4 triệu, 5 triệu, chục triệu,… để có giường bệnh thoải mái nhất, một không gian tiện nghi nhất, bác sĩ giỏi nhất chứ. Nhưng, hãy để những người này chọn bệnh viện tư nhân thì hơn.

Trong nước, hàng loạt các bệnh viện tư nhân đã ra đời với chất lượng 5 sao hoặc cao hơn như Vinmec, Phương Đông,… Chi phí tại các bệnh viện này cũng ở mức cao chót vót mà chỉ những người có thu nhập cao mới đáp ứng được.

Hà cớ gì không để “người nghèo” chọn viện công, còn “người giàu” chọn viện tư. Bệnh viện công đâu cần chạy theo dịch vụ để cạnh tranh với bệnh viện tư nhân. Một bên là khám chữa bệnh vì mọi người; một bên là kinh doanh dịch vụ theo nhu cầu khác hàng – đừng nên “hòa tan, trộn lẫn”!

Hàng chục nghìn người bệnh ra nước ngoài, hoàn toàn không phải vì họ không tìm được “mức giá cao” ở dịch vụ khám chữa bệnh trong nước. Đó còn có thể do lòng tin, do thị hiếu, do thói quen, do ảnh hưởng nhận thức,…

Ngành y tế nên tập trung cải thiện chất lượng khám chữa bệnh công tốt hơn nữa thay vì đa dạng hóa mà lãng phí nguồn lực. Đừng lấy nguồn lực công lẽ ra giành cho phần đông trong xã hội để chạy theo phục vụ lợi ích chỉ cho một nhóm người. Chẳng khác nào ngược đường, ngược lối với mục tiêu công bằng xã hội mà Nhà nước, nhân dân đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều