+
Aa
-
like
comment

Báo UAE bình luận phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong vấn đề an ninh hàng hải?

Bảo Trâm - 17/08/2021 21:33

Trang Khaleej Times của UAE vừa qua đã có bài viết đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông đã đưa ra những giải pháp toàn cầu của Việt Nam trong vấn đề an ninh hàng hải.

Mở đầu bài viết, trang Khaleej Times nói về sự kiện ngày 9/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự cuộc tranh luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường an ninh hàng hải: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” trong khuôn khổ ba cuộc họp do Ấn Độ chủ trì trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng luân phiên hồi tháng 8.

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng biệt về chủ đề an ninh hàng hải.

Theo đó, khi phát biểu tại phiên họp trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có đánh giá cao các cơ chế hợp tác song phương và đa phương ở cấp khu vực và toàn cầu mà cộng đồng quốc tế đã thiết lập thành công, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Công ước này được coi là “hiến pháp về biển và đại dương”, một khuôn khổ pháp lý quan trọng về tính toàn vẹn và tính phổ quát điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và là cơ sở cho hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Mặc dù vậy, theo Khaleej Times, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp về an ninh hàng hải.

Thủ tướng nói thêm: “Các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đã làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và thương mại, cũng như nỗ lực giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống”.

Hơn nữa, ba đề xuất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong phát biểu khiến giới chuyên gia đánh giá vô cùng cao, qua đó cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng lớn, ngày càng có tiếng nói trên trường quốc tế, trang Khaleej Times nhận định.

Ba đề xuất trên được Khaleej Times trích dẫn và phân tích như sau:

Thứ nhất, Thủ tướng nhấn mạnh, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần nâng cao nhận thức toàn diện, bao quát và sâu rộng về tầm quan trọng của đại dương và vùng biển, và các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải.

Tầm nhận thức đó sẽ hình thành cơ sở cho trách nhiệm và ý chí chính trị cao hơn nhằm củng cố lòng tin và phát triển hợp tác gắn kết và hiệu quả hơn, nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương và vùng biển, bảo vệ môi trường hàng hải hòa bình và ổn định.

Ngoài ra, cần có sẵn các nguồn lực để thực hiện các chiến lược và quy định quốc gia nhằm đáp ứng mục tiêu này.

Thứ hai, nhằm kêu gọi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, an ninh hàng hải là vấn đề toàn cầu, do đó cần có các giải pháp toàn cầu, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, bao quát trên cơ sở hợp tác, đối thoại và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, cần củng cố mạnh mẽ hơn hợp tác thông qua các kênh song phương và đa phương và ở cấp khu vực, liên khu vực và toàn cầu để giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh hàng hải.

Để thực hiện các giải pháp toàn cầu này, Việt Nam đề xuất phát triển mạng lưới thỏa thuận và sáng kiến ​​về an ninh hàng hải khu vực với Liên hợp quốc làm điều phối viên, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, phối hợp hành động và giải quyết các thách thức chung một cách kịp thời.

Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam coi trọng và tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để hợp tác thiết thực ở Biển Đông.

Những sáng kiến và cơ chế này sẽ cung cấp các diễn đàn để đối thoại và xây dựng lòng tin, đồng thời giúp điều phối hợp tác an ninh hàng hải.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982.

Ngoài ra, Việt Nam kêu gọi tất cả các nước và các tổ chức đa phương, đặc biệt là các cơ quan của Liên hợp quốc, đẩy mạnh hỗ trợ và quan tâm đúng mức đến những khó khăn và lợi ích của các nước đang phát triển.

Đề xuất thứ ba trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các chính sách, quy định và ứng xử của các quốc gia trên biển phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982.

Để thực hiện điều đó, các quốc gia phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm pháp lý của mình theo công ước, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia có liên quan, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đảm bảo tự do, an toàn và an ninh hàng hải và hàng không mà không sử dụng những hành vi có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc tạo ra căng thẳng.

Bảo Trâm (Theo Khaleej Times)

Bài mới
Đọc nhiều