Khai mạc trọng thể Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu làm văn hóa và trực tuyến với toàn quốc sáng nay 24-11,
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch tổ chức tại phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội, được nhiều chuyên gia văn hóa đặt tên “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” bởi tầm quan trọng của nó.
Ông Hữu Thỉnh – nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam – là một trong các thành viên ban cố vấn bài phát biểu của Tổng bí thư tại hội nghị. Ông cho biết bài phát biểu được chuẩn bị rất công phu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt cho hội nghị lần này.
Hội nghị sẽ có sự tham dự đầy đủ của những người đang làm văn hóa, từ nhà quản lý tới những người sáng tạo văn hóa, các nhà nghiên cứu.
Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24-11-1946, đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, từ đó đến nay đã có nhiều hội nghị lớn về văn hóa, cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa là rất coi trọng lĩnh vực này, đặt ngang hàng với lĩnh vực kinh tế, chính trị, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Ông Phùng Xuân Nhạ – phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, trưởng Ban tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc – nhấn mạnh hội nghị lần này là một diễn đàn để lắng nghe tiếng nói của những người làm văn hóa.
Hội nghị sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan trọng hơn, hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới với những giá trị mạnh mẽ.
Đó là những con người Việt Nam gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, phát triển toàn diện, yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức mạnh mẽ, biết thượng tôn pháp luật… Văn học nghệ thuật được phát huy giá trị mạnh mẽ hơn trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước được phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị cũng được đặt ra mục tiêu góp phần vào ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống, đưa văn hóa vào trong chính trị và kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, bảo vệ di sản… như dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đang xây dựng.
Ngọc Anh