‘Kéo dài ưu đãi giá sẽ gây tổn hại đến ngành điện gió Việt Nam’
Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu đánh giá, giảm giá FIT điện gió như đề xuất của Bộ Công Thương có thể cản trở đầu tư và làm lệch hướng tăng trưởng ngành.
Nhận định trên đưa ra trong phản hồi của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) về đề xuất gia hạn giá ưu đãi (FIT) cho điện gió của Bộ Công Thương đưa ra.
Hiện giá mua điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018 là 8,5 cent một kWh, còn ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với các dự án vận hành trước ngày 1/11/2021. Và theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá mua bán điện gió đối với dự án đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ là 7,02 cent mỗi kWh cho điện gió trên bờ và 8,42 cent mỗi kWh cho điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ. Đối với dự án vận hành trong năm 2023 có giá tương ứng lần lượt là 6,81 và 8,21 cent mỗi kWh.
GWEC nhận định điều này khiến giá FIT của các dự án gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi giảm lần lượt 17,4% và 13,6%, một trong mức giảm đáng kể trên thị trường điện gió toàn cầu. Do vậy, nếu đề xuất được thực hiện, có thể gây tổn hại đến tăng trưởng của ngành điện gió Việt Nam, vốn được nhìn nhận đầy triển vọng. Điều này cũng khiến Việt Nam khó đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Theo Ben Backwell, CEO của GWEC, các thị trường điện gió châu Âu, châu Mỹ từng đối diện với những thiệt hại, thậm chí là cả chu kỳ bùng nổ phá sản khi giảm giá thu mua điện.
Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm đặc nhiệm Đông Nam Á của GWEC cho biết, điện gió cần thời gian phát triển dài hơn so với điện mặt trời và một chính sách giá vừa phải sẽ giúp các dự án, chuỗi cung ứng điện phát triển ổn định.
Theo GWEC, tại Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu giá điện gió giảm trong bối cảnh đã phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng do Covid-19 và những thách thức chung thường gặp ở thị trường giai đoạn đầu. Điều này có thể làm giảm đến 80% việc lắp đặt điện gió mới vào năm 2023 và giảm 25% mỗi năm sau đó.
Trước đó, GWEC đã đề nghị Chính phủ Việt Nam kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi cho các dự án điện gió thêm 6 tháng, đồng thời giảm nhẹ mức giá FIT cho các dự án gió trên bờ và ngoài khơi đi vào vận hành từ tháng 5/2022 trở đi.
Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, nên kéo dài thời gian ưu đãi đến hết năm 2023. Cơ quan này lý giải, đến hết tháng 10/2021, thời điểm giá FIT theo Quyết định 39, nhà đầu tư không đủ thời gian chuẩn bị, xây dựng dự án điện gió, nhất là các dự án trên biển và các dự án chưa được bổ sung quy hoạch. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.
Thông qua tiềm năng gió, nhu cầu điện và cơ chế giá FIT ưu đãi hồi năm 2018, điện gió đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tác động của Covid-19 và những rủi ro về điều chỉnh quy hoạch, GWEC đã hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam năm 2020 xuống còn 125 MW, giảm 75%. Do đó, công suất luỹ kế đến năm 2020 chỉ đạt 472 MW, “bỏ lỡ” mục tiêu 800 MW theo quy hoạch phát triển điện VII.
Đức Minh/VNE