Kê biên tài sản “khủng” của Trương Mỹ Lan, các bị hại có lấy lại được tiền?
Bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên nhiều tài sản ‘khủng’ liên quan bà Lan, vậy các bị hại có lấy lại được tiền?
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê phiên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Cơ quan CSĐT đã thu giữ tổng số tiền 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD, phong tỏa 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng, tổng số tiền bị phong tỏa là gần 1.900 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD. Đồng thời, Bộ Công an ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương; tạm giữ 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 Hợp đồng công chứng…
Đối với bị can Trương Mỹ Lan, Cơ quan CSĐT đã tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ. Cơ quan CSĐT cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, bà Lan nhờ nhiều người đứng tên. Cơ quan CSĐT cũng kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án…
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay bởi vụ việc liên quan đến số tiền, tài sản rất lớn và số bị hại lớn nhất từ trước đến nay với 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.
Do đó, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê biên, phong tỏa là cần thiết để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
Thông tin kết luận điều tra cho thấy, vụ án này liên quan đến nhiều bị can, nhiều tội danh, nhiều giao dịch và đặc biệt là số tiền được xác định là tham ô tài sản lớn nhất từ trước đến nay, theo kết luận điều tra, các bị can cũng gây thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn của hàng chục nghìn người.
Theo quy định của pháp luật, với những vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản hoặc các vụ án về tham nhũng kinh tế gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên tài sản để tránh tẩu tán tài sản để đảm bảo thi hành án.
Sau khi có kết luận điều tra, toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ chuyển cho Viện Kiểm sát nghiên cứu để ban hành cáo trạng truy tố đối với các bị can. Sau khi có cáo trạng truy tố, toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ chuyển cho tòa án để xem xét xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, làm cơ sở áp dụng hình phạt thì tòa án cũng sẽ làm rõ các giao dịch, làm rõ những thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, đảm bảo quyền lợi của những người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp các bị can không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tòa án sẽ tuyên có thể phát mãi tài sản để thi hành án, thu hồi tài sản để trả lại cho những người bị thiệt hại trong vụ án.
Bích Vân