Hợp nhất lực lượng an ninh cơ sở: Nỗi lo sợ của những kẻ mang âm mưu đen tối
Mới đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA tiếng Việt) đăng bài xuyên tạc Bộ Công an “muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kín kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ…”.
Thật kỳ lạ rằng những lời trên được RFA trích lời của một “Cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Với một nhân thân lai lịch không rõ ràng như vậy, ai biết đó có thật sự là do “cựu đại úy” nói.
Tất nhiên, qua những lời lẽ RFA đưa ra, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rằng họ đang sợ hãi trước việc hợp nhất lực lượng an ninh cơ sở. Một khi lực lượng vũ trang nhân dân trở nên lớn mạnh thì chẳng có chỗ đứng nào cho những kẻ phá rối, kích động nữa bởi lực lượng đó đã “nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ… thì họ phát hiện được sớm”. Xin phép được mượn chính lời của RFA nói về vấn đề này.
RFA tiếp tục trích lời của cựu đại úy không có thật: “Vấn đề thứ hai, trước đây họ chỉ trả cho những người này tiền sinh hoạt phí, tiền xăng xe, tiền điện thoại thôi… Nhưng bây giờ hình thành hẳn một lực lượng như thế, thì hình thức gần như bán vũ trang, thì rõ ràng tiền phải rót xuống nhiều tiền hơn, ngân sách rót nhiều hơn, rồi chi phí dụng cụ hành nghề… thậm chí có thể là vũ khí nóng, rõ ràng là tốn kém nhiều hơn.”
Đánh vào ý thức kinh tế luôn có vẻ là chiêu thức kích động có hiệu quả. Nhưng trong trường hợp này thì RFA đã nhầm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở. Chúng ta đang kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung mà không phải là thành lập lực lượng mới. Các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay sẽ được thống nhất, quy định trong Luật, bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bảo vệ dân phố và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục giám sát và trả lương còn Bộ Công an đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Chính vì thế, việc hợp nhất các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật đã ban hành. Hoàn toàn không “tốn kém của dân rất nhiều” như RFA rêu rao mà thực tế là để kinh phí bỏ ra mang lại hiệu quả làm việc cao hơn.
Chưa ngừng lại ở đó, RFA còn cố tình hỏi: “Vậy nếu lực lượng công an xã chính quy làm việc hiệu quả như lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thì sao bây giờ còn phải hợp nhất lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng thành lực lượng an ninh cơ sở?”. Tiếc rằng, câu hỏi lại đem lại tác dụng ngược cho lập luận này. Bởi việc hợp nhất theo Luật sẽ chuyển chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của bảo vệ dân phố, dân phòng sang chức năng tự quản và hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc điều chỉnh này là căn cứ, cơ sở quan trọng để xác định và quy định các nội dung có liên quan về nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan và nhất là về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn bảo đảm không tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước mà là huy động nguồn lực từ Nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương.
Lực lượng công an xã chính quy làm việc hiệu quả do được đào tạo chính quy, nhưng không gì bằng sự đoàn kết của nhân dân, sức mạnh của quần chúng. Lực lượng Công an phải dựa vào nhân dân mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Việc hợp nhất các lực lượng chính là khiến “hổ mọc thêm cánh”, tăng cường sức mạnh trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là điều mà bất cứ thế lực phản động chống đối nào cũng vô cùng e sợ.
Phù Vân