Chiều 23-10, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2024, kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2024-2026.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của NSTW các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn NSTW dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương (NSĐP) khoảng trên 430.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay với dự kiến thu-chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của NSĐP, dự kiến bảo đảm đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1-7-2024. Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung, số liệu cụ thể và kiến nghị đã nêu trong các báo cáo đầy đủ, trong đó, có một số nội dung, như: tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30-12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2024.

Quyết định một số nội dung đã báo cáo, gồm: Tăng số bổ sung cân đối cho NSĐP năm 2024; xử lý bù mặt bằng chi cân đối NSĐP; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối NSĐP năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27- NQ/TW; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Chuyển nguồn sang năm sau phần kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội còn dư của các địa phương có kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2022, 2023 thấp hơn mức đã tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên NSĐP năm tương ứng, để tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành, không được sử dụng cho mục đích khác…

Bích Vân