Hơn 3,4 triệu người sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà
Thủ tướng vừa có quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Để góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Người lao động nhận được nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ trong chương trình này.
Theo đó, hai nhóm người lao động (NLĐ) được nhận hỗ trợ là công nhân đang làm việc trong doanh nghiệp (khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm) và NLĐ trở lại thị trường lao động. Trong đó, mức hỗ trợ cho NLĐ đang làm ở các khu công nghiệp là 500.000 đồng/người/tháng, tối đa ba tháng, phương thức chi trả hằng tháng.
Tuy nhiên, công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm phải đáp ứng ba điều kiện gồm: Đang thuê nhà trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 30-6-2022; có hợp đồng lao động tối thiểu một tháng trở lên được ký kết trước ngày 1-4-2022; đang tham gia BHXH bắt buộc, trường hợp NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với nhóm NLĐ trở lại thị trường lao động, Chính phủ hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa ba tháng, phương thức chi trả hằng tháng. Điều kiện để NLĐ nhận được khoản hỗ trợ này là đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm.
Cạnh đó, nhóm NLĐ này phải hội tụ đủ ba điều kiện gồm: Đang thuê nhà trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến 30-6-2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên được ký kết trong thời gian từ ngày 1-4 đến 30-6-2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia BHXH bắt buộc, trường hợp NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp trước thời điểm lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Về quy trình nhận hỗ trợ, NLĐ phải có đơn đề nghị hỗ trợ gửi cho doanh nghiệp. Trước ngày 15 hằng tháng, doanh nghiệp gửi danh sách NLĐ đến cơ quan BHXH. Trong hai ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận quá trình tham gia của NLĐ. Sau đó, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị lên UBND cấp huyện để trình cấp tỉnh xem xét thực hiện hỗ trợ cho NLĐ.
Doanh nghiệp chi trả cho NLĐ trong vòng hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ. Đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của NLĐ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH (đơn vị được giao xây dựng chính sách này), với quyết định trên, dự kiến sẽ có trên 3,4 triệu NLĐ được hỗ trợ, với tổng kinh phí khoảng trên 5.892 tỉ đồng.
Chính sách hỗ trợ cho NLĐ trở lại thị trường lao động nhằm mục đích thu hút, đưa những NLĐ không có việc làm trở lại làm việc, đặc biệt là thu hút những NLĐ đã rời các tỉnh, TP kinh tế trọng điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở lại doanh nghiệp làm việc.
NLĐ khi bắt đầu trở lại thị trường lao động, bắt đầu một quan hệ lao động mới thường gặp khó khăn hơn những NLĐ đang làm việc nên Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức hỗ trợ cao hơn để NLĐ sẵn sàng trở lại, tham gia cùng với người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh…
Hồng Anh