+
Aa
-
like
comment

Hơn 10 triệu USD được con trai ông Trần Bắc Hà ‘rửa sạch’ thế nào?

26/10/2020 18:07

Lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà tạo điều kiện cho con trai mình là Trần Duy Tùng góp vốn vào Ngân hàng LaoVietBank. Hành vi góp vốn của Tùng có dấu hiệu của tội rửa tiền.

Con trai ông Trần Bắc Hà ‘rửa’ 10,4 triệu USD như thế nào? - Ảnh 1.
Các bị can tại phiên tòa

Chiều 26-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thiệt hại 1.700 tỉ tiếp tục phần thẩm vấn. Tòa dành một nửa buổi sáng và buổi chiều để đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang.

Theo bản cáo trạng được công bố tại tòa, ngoài những sai phạm của các ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang (53 tuổi, cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (59 tuổi, cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp) và các đồng phạm gây thiệt hại 1.700 tỉ, đáng chú ý còn có hành vi của Trần Duy Tùng có dấu hiệu “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, “rửa tiền”.

Đường đi lòng vòng của 10,4 triệu USD

Theo cáo trạng, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) nhờ Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đứng tên tham gia góp vốn vào Tập đoàn An Phú, Trần Anh Quang giữ chức vụ chủ tịch HĐQT giúp Tùng.

Tập đoàn An Phú được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn với số vốn đầu tư ra nước ngoài gần 300 tỉ đồng.

Từ 2013 đến 2015, Tùng và Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Vinh mở tại Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank).

Sau đó Tùng dùng 10 triệu USD từ tài khoản của Vinh chuyển sang Công ty Outhid Houng Heang. Ngoài ra, để qua mặt cơ quan chức năng, ngày 23-12-2015, Tập đoàn An Phú chuyển sang Lào 4 triệu USD.

Công ty Outhid Houng Heung đã thay mặt Công ty SHH Viêng Chăn chuyển 10 triệu USD góp vốn vào tài khoản của LaoVietBank để góp 10% vốn điều lệ.

Công ty SHH Viêng Chăn là một trong ba cổ đông góp vốn vào LaoVietBank và nắm giữ 10% cổ phần. Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp nộp tiền mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung.

Con trai ông Trần Bắc Hà ‘rửa’ 10,4 triệu USD như thế nào? - Ảnh 2.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa 

Theo cáo trạng, việc Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn, thực hiện góp vốn vào LaoVietBank là để hợp thức hóa và che dấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Trần Duy Tùng, Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang.

Bên cạnh đó, toàn bộ cổ tức hơn 2,3 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng) LaoVietBank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn, Trần Duy Tùng đã quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định tại Điều 65 Luật đầu tư năm 2014.

Hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh có dấu hiệu của tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” hoặc “rửa tiền.

Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đang bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách vụ án với các hành vi có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, rửa tiền để điều tra, khi nào bắt được hai bị can trên công an sẽ điều tra làm rõ sau.

Trần Duy Tùng là chủ thứ 2 của công ty “sân sau”

Cũng theo cáo trạng, Trần Duy Tùng có nhiều liên quan đến công ty “sân sau” của bố là ông Trần Bắc Hà. Tập đoàn An Phú do Tùng là tổng giám đốc và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được ông Hà giới thiệu để làm dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh.

Theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho Công ty An Phú. Ông Trần Bắc Hà đã thành lập Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỉ đồng làm “sân sau”. Hai cổ đông của công ty này là Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh chỉ đứng tên để góp vốn thay cho Tùng.

Cổ đông còn lại là Đinh Văn Dũng do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu.

Trần Duy Tùng thực chất là ông chủ thứ 2, trực tiếp điều hành chỉ đạo mọi hoạt động của công ty “sân sau” này.

Con trai ông Trần Bắc Hà ‘rửa’ 10,4 triệu USD như thế nào? - Ảnh 3.
Bị can Trần Lục Lang được dẫn giải đến Tòa 

Từ 2015-2018, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo các thuộc cấp tại BIDV giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng với các ưu đãi về vốn tự có và tài sản bảo đảm.

Sau khi Ngân hàng BIDV giải ngân, Trần Duy Tùng đã chỉ đạo các cổ đông thu tiền bán bò mà không nộp về tài khoản Công ty Bình Hà.

Cáo trạng xác định Tùng và đồng phạm đã chiếm đoạt, gây thiệt hại cho BIDV gần 150 tỉ đồng. Tuy nhiên Tập đoàn An Phú do Tùng làm Chủ tịch HĐQT đã đứng ra nhận nợ hơn 128 tỉ đồng để hợp thức hóa và che giấu hành vi chiếm đoạt nên thiệt hại nay chỉ còn hơn 26 tỉ đồng.

Viện kiểm sát quy kết ông Trần Bắc Hà là người chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc chỉ đạo cho vay trái quy định gây thiệt hại cho BIDV gần 1.700 tỉ đồng. Tuy nhiên ông Hà đã tử vong trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên Cơ quan điều tra đã đình chỉ bị can.

Chủ tịch BIDV được triệu tập nhưng ủy quyền cho người đại diện

Trước đó, trong phần thủ tục, HĐXX thông báo đã triệu tập ông Phan Đức Tú, chủ tịch HĐQT BIDV – với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng ông vắng mặt, ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Phương đại diện tham dự phiên tòa.

Ông Võ Hữu Hào – phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư – đại diện cho UBND Hà Tĩnh tham dự, ngoài ra còn có đại diện Công ty Bình Hà, Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Viện kiểm sát cho rằng tuy thiếu một số nhân chứng, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan song những người này đã có lời khai trong quá trình điều tra nên đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Trong quá trình xét xử nếu cần thiết Viện kiểm sát sẽ đề nghị Tòa triệu tập những người này.

THÂN HOÀNG – DANH TRỌNG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều