“Học đi con, học để thoát nghèo…”
Học trò Nghệ An, Hà Tĩnh thời nay, mặc dù không còn cảnh phải nhìn “cá gỗ” như trước, nhưng vẫn còn nguyên tinh thần tiến thủ, ý chí vươn lên. Xin nói luôn, tôi, Nhà báo Bích Diệp là người nghệ 101% và yêu xứ nghệ như mọi người dân xứ Nghệ…
Có thể nói, năm Kỷ Hợi 2019 là một năm rất thành công với “đất học Hồng Lam” (Nghệ An, Hà Tĩnh).
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 – 2020, đoàn Nghệ An có 82/102 thí sinh đạt giải với 13 giải Nhất, 31 giải Nhì, 25 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Tất cả học sinh đạt giải đều là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng không kém cạnh với 4 giải Nhất ở các bộ môn: Sinh học, Văn, Tiếng Anh và Địa lý; 19 giải Nhì; 31 giải Ba và 35 giải Khuyến khích. Với tổng số 89/100 học sinh tham gia dự thi đoạt giải (chiếm tỉ lệ 89%), Hà Tĩnh xếp thứ 2 cả nước về số lượng học sinh đoạt giải quốc gia (sau Hà Nội).
Ngoài ra, trong kỳ thi chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 19, em Trần Thế Trung – học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng đã rất xuất sắc giành giải quán quân, mang Vòng nguyệt quế chiến thắng trở về.
Là một người con xứ Nghệ và trưởng thành từ mái trường chuyên Phan Bội Châu, người viết thực sự cũng thấy “thơm lây”, rất tự hào và cảm thấy may mắn khi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất học này.
Đây vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, thời nào cũng có người đỗ đạt cao, đem tài đức ra giúp dân, giúp nước. Nhiều gương danh nhân được lưu truyền sử sách và sống mãi với thời gian.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà bác học Phan Huy Chú từng đưa ra nhận xét: “Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học… được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”.
Và còn một lý do khác nữa, mà có lẽ bởi vậy mà xứ Nghệ vẫn luôn nổi danh là “đất học”, đó là “ý chí thoát nghèo” của các thế hệ học trò nơi đây. Câu nói “học đi con, học đi mới thoát khỏi đói nghèo…” vẫn đeo đẳng người viết suốt mấy chục năm qua, để đến khi thực sự không còn “khó” nữa, trong niềm tự hào lại xen lẫn xót xa.
Cho đến nay, truyền thống hiếu học, khoa cử vẫn được duy trì trên mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Học trò thời nay, mặc dù không còn cảnh phải nhìn “cá gỗ” như trước, nhưng vẫn còn nguyên tinh thần tiến thủ, ý chí vươn lên. Có những bạn học sinh là người dân tộc thiểu số, ở tận vùng sâu vùng xa nhưng vẫn đạt được kết quả cao trong các kỳ thi lớn.
Chính bởi vậy, con người xứ Nghệ cũng chính là một thứ tiềm năng, một tài nguyên lớn để Nghệ An và Hà Tĩnh trở mình. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu tại một hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra hồi đầu năm 2019: “Trong mọi tiềm năng, một trong những thuận lợi lớn nhất mà tỉnh Nghệ An cần nắm bắt chính là những con người xứ Nghệ tài hoa”.
Dịp Tết đến xuân về, ngồi trên quê hương, bên bát nước chè xanh chát đượm, tôi thầm mong sao trong những năm sắp tới, bên cạnh niềm tự hào về khoa cử, học tập, những người Nghệ còn được tự hào hơn về những thành tích vang dội trên lĩnh vực kinh tế, tự hào vì có thêm nhiều doanh nhân lớn, doanh nghiệp lớn thành công trên chính mảnh đất này.
Bích Diệp/DT