+
Aa
-
like
comment

Hoài niệm về những chợ truyền thống nổi tiếng đất Cảng

14/01/2020 11:05

Có dạo, người ở nơi khác đến thành phố Cảng phải thốt lên: “Chưa đến chợ Sắt thì coi như chưa đến Hải Phòng”.

Ngày ấy, chợ Sắt như một trong những biểu tượng của thành phố này, là trung tâm mua sắm của khu vực, thu hút hàng vạn khách thập phương.

Thời vàng son của chợ

Hoài niệm về những chợ truyền thống nổi tiếng đất Cảng
Một góc chợ Sắt ngày nay vẫn bán rất nhiều… “sắt”.

Hải Phòng được mệnh danh là “phố chợ”. Ngoài chợ Sắt, Hải Phòng còn có nhiều chợ nổi tiếng khác như chợ Đổ, chợ Ga, chợ An Dương, chợ Con… Thời hoàng kim, những phố chợ đã để lại dấu ấn và tác động không nhỏ đến sinh hoạt cộng đồng. Nhà nào có được gian hàng ngoài chợ thì con cái ra đường cũng được xem như cậu ấm con “quan”. Ngoài giá trị giao lưu về kinh tế văn hoá, chợ đóng một vai trò đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nhưng hiện nay tiềm năng này đang bị mai một, chợ ở Hải Phòng không còn hấp dẫn với thập phương.

Bắt đầu thời kinh tế mở, chợ Sắt vốn là một chợ lớn hàng đầu miền Bắc, đã dần mất đi vị trí độc tôn ngay trên “sân nhà”. Còn nhớ, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Công ty Hải Thành đến từ Trung Quốc đã đem theo một chiếc “bánh vẽ” với tương lai xán lạn khi khởi công xây dựng chợ Sắt thành trung tâm thương mại, quy mô có thể coi là hoành tráng nhất thời điểm đó. Nhưng niềm hy vọng ấy đã nhanh chóng bị tan vỡ khi Trung tâm thương mại Hải Thành “đứt gánh giữa đường”, rất nhiều hộ kinh doanh bị đẩy ra “ngã ba đường” đúng theo mọi nghĩa. Rồi cũng rất nhiều tiểu thương khác vì yêu nghề đành phải đem hàng hóa lang bạt đến các tuyến đường trên khắp thành phố, hoặc thuê nhà, hoặc chiếm vỉa hè kiếm sống. Chợ vẫn tên là “Sắt” nhưng thời vàng son đã đi vào dĩ vãng…

Thêm một ngôi chợ nức tiếng khác của Hải Phòng đó là chợ Đổ. Chợ Đổ hay còn được gọi bằng tên khác là chợ Tam Bạc. Chợ nằm gần chợ Sắt nên đã nhân cơ hội “người hàng xóm vỡ trận” tích cực dọn “hộ” cả người và hàng hóa về nhà mình, chiếm lĩnh thêm cả các tuyến đường Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt và các đường ngang cận kề. Từ một khu chợ ọp ẹp chủ yếu là lán trại kinh doanh rau quả quanh đền Nhà Bà, chợ Đổ chuyển thành một trung tâm bách hóa lớn. Cùng thời gian đó, không chỉ chợ Đổ mà chợ Ga dù ở xa hơn nhưng có lợi thế trung tâm, cũng nhanh chóng được cải tạo và áp dụng cơ chế thoáng, từ đó người ta biết đến chợ Ga không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm nổi tiếng mà còn là tụ điểm mua sắm với nhiều loại hàng, nhất là giày dép, vải vóc, điện dân dụng… Sự thành công nhất thời của chợ Đổ, chợ Ga đã kéo theo làn sóng cải tạo hạ tầng chợ, lần lượt các chợ nhỏ hơn như An Dương, chợ Con… cùng đổ tiền vào cuộc đua xây dựng.

Thế nhưng, nền kinh tế mở đã khai sinh ra một phương thức kinh doanh mới là “chợ hè đường”. Phong phú, tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng tiêu chí “dễ thấy, dễ lấy, dễ sờ”. Mô hình này đã nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu hè đường mà dường như chẳng dựa trên một nền tảng văn bản pháp lý nào để đổi “mục đích sử dụng”. Nhưng điều quan trọng là nó đã “cướp” đi giá trị lâu đời của chợ truyền thống theo đúng bản chất khai sinh. Rồi “niềm vui chẳng được tày gang”, khi các mô hình chợ cóc “nhảy” tràn vào nội thành, thêm làn sóng đầu tư các mô hình trung tâm thương mại hiện đại bùng nổ, thị trường thành phố Cảng thành ra hỗn độn đủ các dạng hình. Cũng chính vì điều này, chợ truyền thống ở Hải Phòng mất đi một vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành “công nghiệp không khói”, đó là thu hút khách du lịch đến mua sắm và tham quan.

Hoài niệm về những chợ truyền thống nổi tiếng đất Cảng
“Chợ cóc” đang “nhảy dù” khắp thành phố Cảng. 

Có trở lại?

Văn hóa mua sắm luôn gắn liền với dịch vụ, du lịch, vì vậy chợ cũng là một trong những tiêu chí thể hiện sự thịnh suy bộ mặt xã hội của mỗi địa phương. Hầu như ai cũng vậy, đi đến nơi nào đó dù tham quan hay lễ hội, khi trở về những người thân quen thường hỏi: “Có quà gì đặc sản không?” hoặc “Hàng hóa có gì lạ không?… mới thấy rõ vai trò đặc biệt của chợ đối với khách du lịch.

Nhìn vào thực trạng chợ truyền thống của Hải Phòng hiện nay, nhiều người dân thành phố phàn nàn, cảm giác đầu tiên chính là không khí oi ngạt của sự tối tăm chật hẹp, các quầy hàng nhỏ thó nhưng hàng hóa chất lộn xộn đến hoa mắt. Khoảng cách giữa các quầy bị tận dụng tối đa nên không đủ cho hai người tựa lưng nhìn sang hai bên. Thậm chí, hàng hóa còn “lấn sân” hết cả vòi nước cứu hỏa.

Mỗi khi đến chợ, nhìn các “bà chủ” ngổi vểnh chân ve vẩy quạt mà buồn. Chị Lương Thị Y chủ cửa hàng quần áo ở chợ Ga phàn nàn: “Có hôm ngồi từ sáng đến chiều mới bán được bộ mở hàng, cũng có hôm cả ngày chẳng người nào nhòm đến…”. Giống như chị Y, tình cảnh này diễn ra ở hầu hết các chợ trong thành phố Cảng. Thế mới nói, chợ mà dân bản địa còn không nhòm ngó thì làm sao mà thu hút được du khách thập phương. Chưa kể, những nỗi buồn đọng lại của “văn hóa nói thách”, hay những câu chuyện bất cập về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… càng khiến những ngôi chợ nổi tiếng của Hải Phòng dần lui vào xa vắng.

Từ xa xưa, chợ ở Việt Nam đã phản ánh tương đối rõ nét văn hoá của từng vùng miền, mà trung tâm thương mại theo mô hình ngoại nhập hay phương thức kinh doanh hè đường đều không thể thay thế được. Nhưng chợ ở Hải Phòng đang lâm vào một tình thế nan giải, cạnh tranh trong cơ chế hiện nay rõ ràng là quá khó, mà xoá bỏ thì càng không thể. Theo thống kê của ngành Công Thương, Thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 150 chợ, trong diện quy hoạch, xếp thứ tự thành 3 hạng. Nhưng đó chỉ là số liệu theo tên gọi, còn thực tế như đã nêu ở trên, sẽ khó có đơn vị nào thống kê nổi nếu tính cả chợ cóc, hè, đường, ngõ, nghẽn… có chức năng như chợ. Vấn đề là việc quy hoạch quản lý kinh doanh như thế nào để tạo một sân chơi bình đẳng. Vẫn biết trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển, nhưng chả nhẽ trong chỉ dẫn du lịch lại giới thiệu cả thành phố đều… là chợ(!?).

Có quan điểm cho rằng, du lịch chợ được tạo bởi nhiều yếu tố kết hợp, ngoài quy hoạch và xây dựng về cảnh quan, giao thông, phương thức quản lý, văn hóa ứng xử… mỗi chợ phải có sự khác biệt đặc thù tạo ấn tượng cho du khách, nhất là khách ngoại quốc. Để xây dựng chợ truyền thống trở thành những điểm đến trong ý tưởng của du khách thì việc quy hoạch, quản lý phải được nâng lên ở một tầm vĩ mô, cần sự vào cuộc của nhiều ngành nhiều cấp. Hải Phòng cũng đã có nhiều chợ khu biệt hàng hóa, ví dụ như nông sản ở chợ Tam Bạc, thiết bị phụ tùng ở chợ Sắt hoặc cây hoa muông thú ở chợ Hàng… Thiết nghĩ trong quy hoạch, cần chú ý đến yếu tố này.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải trả lại tên cùng với những giá trị đích thực của chợ, có lẽ cần có một giải pháp mang tính khoa học, thay cho sự lửng lơ trôi nổi như hiện nay. Nhất là khi trong chiến lược phát triển kinh tế, Hải Phòng đã đặt kinh doanh, dịch vụ thương mại thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu, đồng thời xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới một lộ trình bền vững.

PV/LĐ

Bài mới
Đọc nhiều