Hòa hợp dân tộc, chung lòng xây dựng đất nước hùng cường
Đã 45 năm, từ ngày đất nước thống nhất. Thời gian đã mang đi nhiều đời người, xóa đi nhiều phận đời, kéo gần hơn hố sâu ngăn cách, nhưng vẫn còn đâu đó những ký ức, những vết thương, có đôi khi lại tấy lên vì những hành xử không đúng, vô tình hay cố ý của người phía bên này hay phía bên kia…
Hôm trước, tình cờ đọc được những lời chia sẻ từ luật sư Hoàng Duy Hùng (một người Mỹ gốc Việt, là con của một sĩ quan “quân lực Việt Nam cộng hòa”, cũng đồng thời lớn lên dưới chế độ “Việt Nam cộng hòa”) kể về hành trình gần nửa thế kỷ chưa bao giờ là dễ dàng. Để từ một người chống cộng cực đoan tham gia “mặt trận Việt Nam tự do” với quyết tâm “lật đổ chế độ cộng sản”. Mỗi tháng Tư về lại gọi đó là “tháng tư đen”, coi 30/4 là “ngày quốc hận” và mong muốn “toàn dân đứng lên kháng cộng”. Thậm chí, năm 2001, còn xâm nhập phi pháp về nước với ý đồ sẽ đặt bom gây nổ hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Cuối cùng như chính ông bộc bạch: “lòng tôi đã bị sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam chinh phục“. Sau cùng, tự hủy bỏ ý định điên rồ trên, trở về Mỹ từ từ giảm và dần rút khỏi các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam.
Tin rằng, câu chuyện của luật sư Hoàng Duy Hùng giờ đây đã không còn là hy hữu. Và ngoài kia, còn nhiều nhiều lắm những người từng ở “bên kia” chiến tuyến đã có cách nhìn khác trước, mang tính thiện chí và hướng theo dòng chảy của thời đại. Dẫu vậy, vẫn còn đó những người vẫn còn mang nặng chuyện quá khứ, vẫn cứ muốn khoét sâu thêm vết thương, chà xát những vết sẹo làm chúng tấy lại.
Cũng bởi vậy mà 45 năm trôi qua nhưng cứ đến dịp 30/4 hàng năm, một số ít người Việt Nam từng sống trong chế độ cũ nay ở nước ngoài vẫn giữ định kiến, nuôi giữ hận thù, kêu gọi kỷ niệm những cái gọi là “30-4: Ngày Quốc hận”, “Tháng tư Đen”, “Hội luận về 30-4”, “Chuyển lửa đấu tranh về quốc nội” như để nuôi dưỡng chút hơi thở tàn. Năm nay, dù đại dịch Covid-19 đang lan tràn toàn cầu, đồng bào cả nước chung sức chung lòng cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh thì ở hải ngoại, vẫn có những cá nhân, tổ chức kêu gọi tổ chức Ngày Quốc hận bằng cách tưởng niệm trên mạng xã hội, tán phát những ấn phẩm với nội dung kích động, nuôi dưỡng thù hằn. Mượn chuyện hòa hợp, gây thêm… chia rẽ. Nhưng sau cùng, những “viên sỏi” hận thù như bao năm tháng qua sẽ chìm ngỉm trong biển cả hòa hợp dân tộc.
Bởi, một Việt Nam phẳng, đang đến với thế giới phẳng bằng sức mạnh kinh tế của chính mình, bằng sự hợp tác chân thành, hiệu quả và đang trên đường trở thành quốc gia công nghiệp. Sâu sắc hơn, một Việt Nam phẳng đang dần xóa bỏ được những ranh giới hữu hình hay vô hình hố ngăn cách lòng người Việt Nam ở khắp bốn bể năm châu. Một Việt Nam phẳng, đang giang tay đón bà con khắp nơi trên thế giới trở về với quê mẹ. Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần xã hội, kể cả những người trong chế độ cũ đều không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trong lao động, kiến tạo cuộc sống. Ngay cả nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từng xác định ở một thái cực khó có thể hòa hợp, như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly, Chế Linh… gần đây cũng được tạo điều kiện về nước biểu diễn, không hề bị phân biệt, kỳ thị.
Một vấn đề từng được coi là “nhạy cảm” như Nghĩa trang Bình An của quân đội Sài Gòn cũ nay cũng được dân sự hóa, mọi người thăm viếng, chăm sóc mộ phần. Vẫn nhớ, vào ngày 27/4/2014, một đoàn kiều bào đã được tổ chức đến viếng Nghĩa trang.
Hay như câu chuyện vừa mới đây của ông Tạ Hoa Kiên (Việt kiều quốc tịch Mỹ) mắc Covid-19 được điều trị miễn phí khỏi bệnh tại Việt Nam, và ngay khi về nước trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại ngay sân bay ông đã không giấu được sự cảm kích, chân thành của bản thân về những ngày được các thầy thuốc trên đất mẹ Việt Nam chăm sóc, điều trị, giúp ông trở về từ cõi chết, qua đó giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thấy rõ hơn một góc nhìn cận cảnh về sự quan tâm của Đảng và tình nghĩa của đồng bào dành cho những người con xa xứ.
Gần nửa thế kỷ đi qua, ngần ấy thời gian có thể với ai đó vẫn là chưa đủ để xóa đi “những khoảng cách còn lại”, nhưng với những gì đang diễn ra, với những bước chuyển mình từ chính những người lính bước ra từ cuộc chiến sẽ là những chỉ dấu tích cực cho việc lấp đầy những hố sâu, kéo lành những vết thương, xóa mờ những lằn sẹo. Mở đầu cho một ngày mai thật sự hòa hợp, hòa giải, thật sự tin yêu, đồng hành vì quê hương đất nước, để tất thảy người Việt dẫu ở bất cứ đâu cũng chung lòng hướng đến lợi ích quốc gia dân tộc mà xây dựng một Việt Nam hùng cường.
Lịch sử là lịch sử, cái chúng ta cần là tương lai. Như cách tư duy của TS Nguyễn Xuân Thu (Đại học RMIT) – người trở về với Việt Nam đã viết trên Journal of Vietnamese: “Bạn không thể làm lành vết thương của mình bằng cách nhìn lại quá khứ và bạn cũng không thể tạo dựng được một tương lai tốt đẹp cho con cái mình bằng thù hận. Quá khứ cần thuộc về quá khứ. Tương lai là cách duy nhất để đem lại sự an bình và hạnh phúc”. Hãy về đi, về chính quê hương của mình, sự thật sẽ giúp các bạn đừng ngu muội nữa!. Như LS Hoàng Duy Hùng khi nói về lý do khi trở về Mỹ ông không tham dự “ngày quốc hận 30-4” của cộng đồng gốc Việt nữa. Bởi như ông chia sẻ: “VỚI TÔI, NGÀY 30/4 GIỜ ĐÂY KHÔNG CÒN LÀ ‘NGÀY QUỐC HẬN’ MÀ LÀ NGÀY THỐNG NHẤT”.
Văn Dân