“Họ quan tâm đến nhân sự, nhưng tôi nghĩ rằng đây là vấn đề không quan trọng”
Đây là chia sẻ của ông Saadi Salama là Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam – Nhà ngoại giao duy nhất 3 lần tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh, dư luận trong nước và thế giới quan tâm đến vấn đề này, tại sao một vị chính khách nước ngoài lại có suy nghĩ đi ngược với đám đông như thế?
Theo chia sẻ của vị Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam suốt 11 năm qua, thì có 2 lý do cho quan điểm đó. Thứ nhất, từ trước đến nay, dù ai lãnh đạo Việt Nam, thì lợi ích của dân tộc là thống nhất. Thứ hai, nhân sự được lựa chọn của Đại hội Đảng XIII đều là những cán bộ đã được Đảng đào tạo từ khi mới 20, 30 tuổi, chứ không phải ai đó tự nhiên “nhảy dù” vào.
Ông Saadi Salama là người đã gắn bó 40 năm với Việt Nam, ông tự coi mình là người Hà Nội, đặc biệt ông là một trong những chính khách hiếm hoi có thể nói Tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Ông đã từng gặp hầu như tất cả các lãnh đạo của Việt Nam (trừ có 2 người là Bác Hồ và Chủ tịch Tôn Đức Thắng), quan sát Việt Nam trong suốt quá trình đổi mới từ sau chiến tranh. Ông đã từng tham gia Đại hội V, VII, XI và chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước sau mỗi kỳ đại hội.
Như chính ông đã chia sẻ, khi tham dự Đại hội V, Việt Nam bị bao vây, phong tỏa; tại Đại hội VII, Việt Nam phải tìm hướng đi mới trong bối cảnh bão hòa của thế giới; tại Đại hội XI, Việt Nam đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu, đối mặt để đưa đất nước tiếp tục phát triển, cân đối giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa để bảo vệ những đặc trưng của dân tộc… Và cho đến hôm nay, từ một đất nước nghèo đói, người dân ốm không có thuốc men để uống, không có gạo để ăn thì đến tại Đại hội XIII, Việt Nam đã là quốc gia xuất khẩu thứ 2 về gạo, Hà Nội cũng như TP.HCM đã có nhiều tòa nhà cao nhất nhì Đông Nam Á.
Có lẽ, là chính khách nước ngoài với một góc nhìn khách quan chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của Việt Nam qua suốt 40 năm nên đối với ông bất cứ nhân sự nào được lựa chọn tại Đại hội Đảng đều mang lại lợi ích thiết thực và rộng lớn cho dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được chứng minh qua các kỳ Đại hội Đảng và được chính bản thân ông kiểm nghiệm và xác thực. Vậy nên, không quá khó hiểu khi ông là vị chính khách nước ngoài hiếm hoi lại có suy nghĩ đi ngược với đám đông như thế.
Được biết, ông Saadi Salama sinh ngày 26 tháng 1 năm 1961, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hebron, miền nam Palestine và là một người thuộc dòng họ ALTUMAIZI. Năm 19 tuổi, Saadi Salama nhận được học bổng đi du học. Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…
Ông được coi là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập và ngược lại, như cuốn sách “Điện Biên Phủ – 5 điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh”. Đại sứ Saadi Salama đã lập gia đình và có bốn con, hiện đều đã trưởng thành. Bên cạnh tiếng Ả Rập là ngôn ngữ mẹ đẻ, ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Việt.
Thu An