Hồ Chủ tịch trong lòng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng trong lòng mỗi người dân và các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Đã có nhiều và rất nhiều bài viết cũng như lời phát biểu về vấn đề này. Mới đây, tại Lễ Kỉ niệm 50 năm Di chúc và cũng là ngày mất của Hồ Chủ tịch, một lần nữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại thay mặt toàn Đảng, toàn Dân nói lên lòng kính trọng và tình cảm thiêng liêng với Người.
Về Di chúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
“Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ông Trọng khẳng định.
Về đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch, ông Trọng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua cuộc đời đầy oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực, mà còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thuỷ chung, là biểu tượng vĩ đại, sáng ngời và lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, của đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, của hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.
Đọc những lời của ông Trọng, không thể không nhớ đến những lời tâm huyết nói lên khát vọng lớn lao mà bình dị của Hồ Chủ tịch sinh thời:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Công bằng nhìn lại, dù còn nhiều, rất nhiều những khó khăn, trở ngại và cả sự công bằng cùng với các tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng… Song về cơ bản, 50 năm qua kể từ ngày Người đi xa, cả nước đã và đang tiếp tục thực hiện thành công ước nguyện của Người.
Đất nước đã hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối. Đồng bào ta nơi này, nơi khác tuy vẫn còn nhiều, rất nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, đã có cơm ăn, áo mặc. Học sinh của ta, hầu hết đã được học hành.
Dù còn nhiều khi chưa bằng lòng với chính mình, chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, nhất là từ sau Đổi mới.
Giờ đây, dân ta không chỉ “có cơm ăn, áo mặc” mà nhìn chung đã và đang vươn tới ăn ngon, mặc đẹp. Dân ta không chỉ “ai cũng được học hành” mà còn muốn học cao hơn, rộng hơn, chất lượng hơn… Đó là những sự thật không thể nói khác.
Trong giờ phút trọng đại của buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vẫn không quên nhắc nhở: “Chúng ta tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn.
Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn”…
Có thể nói cho đến nay trong cuộc đời mình, ông Trọng không ngừng phấn đấu học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Hồ Chủ tịch.
Nhìn lại những lời nói và việc làm của ông Trọng nhiều năm qua, theo người viết bài này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực sự xứng đáng là một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bùi Hoàng Tám