+
Aa
-
like
comment

Hiểu đúng và đủ về vai trò của công đoàn trong những vụ đình công ở Nghệ An, Hà Tĩnh

An Diễm - 27/02/2022 16:10

Một loạt các trang tin chống phá như BBC, Việt Nam Thời Báo, RFA đang lợi dụng việc công nhân tại một số công ty ngưng việc tập thể đòi quyền lợi để chỉ trích Công đoàn Việt Nam, cho rằng Nhà nước yếu kém.

Tính từ đầu năm tới nay cả nước có khoảng 30 cuộc đình công, con số này ít hơn cùng kỳ 2021 (35 cuộc). Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số vụ đình công ở Việt Nam giảm liên tục các năm trở lại đây, từ 329 cuộc năm 2017, 214 cuộc năm 2018, 120 cuộc năm 2019. Theo ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, nguyên nhân ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp. Một số cuộc khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, các quy định cứng nhắc, chất lượng bữa ăn kém…

Chính quyền và đơn vị liên quan tại buổi làm việc với đại diện Công ty THHH Viet Glory

Ngay sau Tết Nguyên đán, 5000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory tại Nghệ An đình công, đưa ra bản kiến nghị gồm 11 điều khoản đòi quyền lợi. Do không tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo công ty, cuộc đình công kéo dài và trở nên phức tạp. Ngay sau khi nắm được thông tin, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trực tiếp thu thập nắm bắt tình hình trực tiếp từ công nhân lao động; tổng hợp và phân loại các ý kiến của công nhân, phối hợp với Phòng LĐ, TB&XH huyện kiểm tra, rà soát một số chế độ chính sách liên quan mà công nhân kiến nghị để xác định đúng sai, từ đó yêu cầu công ty thông báo cho tất cả công nhân. Liên đoàn Lao động huyện đã tuyên truyền, thuyết phục, vận động đề nghị công ty giải quyết một số kiến nghị chính đáng cho người lao động.

Đến chiều 12/2, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh do Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Công dẫn đầu đã đàm phán thành công. Công ty TNHH Viet Glory đã đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho người lao động. Đây cũng là yêu cầu cuối cùng của công nhân và là yêu cầu khó giải quyết nhất. Kết quả của những nỗ lực này là đến ngày 14/2, toàn bộ công nhân đã đi làm trở lại. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Công ty Haivina Hà Tĩnh. Chỉ một ngày sau khi công nhân đình công đòi quyền lợi, sáng ngày 16/2, Công ty TNHH Haivina phối hợp với chính quyền địa phương và Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi đối thoại với công nhân và đã tìm được tiếng nói chung.

Công nhân xếp hàng vào nhà máy sáng 14/2

Việc dàn xếp êm đẹp, có lý có tình giữa các công ty và người lao động là yếu tố mấu chốt để đưa mọi việc bình thường trở lại, và vai trò của công đoàn các cấp là không thể phủ nhận. Đây là giai đoạn mà công đoàn đã phát huy vai trò trung gian, trước hết là dàn xếp về mặt cảm xúc để người lao động và người sử dụng lao động thấu hiểu nhau, sau đó là thông cảm cho các khó khăn của nhau. Thực chất việc người lao động đình công đòi quyền lợi là khá phổ biến và xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Tại Mỹ năm 2021 có tổng cộng 265 cuộc đình công thu hút 140 nghìn công nhân. Tại Pháp, việc đình công của người lao động xảy ra quá thường xuyên, đến mức quen thuộc. Đây là một hoạt động cần thiết để các công ty điều chỉnh chính sách, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, nâng cao năng suất và cuối cùng chính công ty được hưởng lợi. Thế nhưng, các trang mạng như BBC, RFA, Việt Nam Thời Báo luôn lu loa cho rằng các cuộc đình công của công nhân Việt Nam đều là “tự phát”, từ đó họ xuyên tạc rằng công đoàn Nhà nước yếu kém, vô trách nhiệm.

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép tổ chức đình công trong một số điều kiện hãn hữu. Theo tính toán, để hoàn thành các thủ tục này, công đoàn có thể mất tới 3 tuần làm việc mới có thể tổ chức được một cuộc đình công được xem là hợp pháp, nhưng người lao động thì không muốn chờ lâu và họ chọn tự phát. Phải nhìn vào thực tế rằng Việt Nam là một nước đang phát triển, Chính phủ đã phải rất nỗ lực để cạnh tranh với các nước khác nhằm lôi kéo các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tỉnh nghèo nhờ có các công ty này mà trở nên phồn vinh, đời sống của người dân được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, ví dụ như Nghệ An, Hà Tĩnh nơi đặt trụ sở của các công ty Việt Glory và Haivina. Đó là lý do vì sao cần phải xây dựng “quan hệ lao động hài hòa”.

BBC và RFA còn đưa ra một cách lý giải xuyên tạc khác, họ cho rằng Chính phủ Việt Nam vì muốn muốn ưu đãi những nhà đầu tư bỏ tiền kinh doanh sản xuất ở Việt Nam, đã giảm thiểu chi phí sản xuất bằng cách đề ra mức lương tối thiểu vùng quá thấp và còn tăng thời gian cho phép làm thêm vắt sức công nhân. Thực chất thì mức lương tối thiểu vùng được Nhà nước tính toán dựa trên đời sống nhân dân từng khu vực, theo đó vùng nông thôn hoặc tỉnh nhỏ đương nhiên phải thấp hơn ở thành phố lớn. Theo thông tin giải quyết đình công ở công ty Việt Glory Nghệ An, một công nhân cho biết được tăng 6% lương tương đương 220 nghìn/ tháng và cô đã có thể hài lòng. Việc tăng giờ làm thêm cũng là bắt buộc, bởi đa số công nhân đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập.

Việt Nam Thời Báo lộ rõ bộ mặt thật của mình khi đưa ra cách lý giải vô lý nhất. Họ cho rằng công nhân đang bị “bế tắc trong đời sống bởi hàng loạt các mệnh lệnh hành chính hà khắc nhân danh kiểm soát dịch giã”, nhưng “không thể xuống đường biểu tình” nên “chỉ cần mồi lửa nhỏ của bế tắc, lập tức đám cháy bùng lớn”. Luận điệu này không khác gì xúi giục người dân chống đối Nhà nước và xuống đường biểu tình, trong khi cái mà họ cần có thể chỉ là thêm 220 nghìn/tháng như cô công nhân ở trên. Và Việt Nam Thời Báo sẽ trả lời ra sao với thống kê nói trên là các cuộc đình công của công nhân Việt Nam càng ngày càng giảm?

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn Phạm Thị Thu Lan thừa nhận “đôi khi công đoàn “ngầm ủng hộ” công nhân đình công để tạo thế cho công đoàn đứng ra thương lượng vì quyền lợi của người lao động và thực hiện chức năng đại diện của mình.”. Đây là cách lý giải hợp lý nhất, dựa trên thực tế là ngay khi đình công xảy ra thì công đoàn đã lập tức có mặt để đứng ra làm cầu nối. Một mặt công đoàn lắng nghe công nhân, thuyết phục họ cảm thông với những khó khăn của công ty. Mặt khác, công đoàn cũng yêu cầu các công ty phải phản hồi thỏa đáng, hiểu hoàn cảnh của các công nhân để đưa ra giải pháp hợp lý. Kết quả là tất cả các cuộc đình công được BBC và RFA “dẫn chứng” đều đã kết thúc trong êm đẹp, công nhân hồ hởi đi làm trở lại.

Rõ ràng việc các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thu nhập cao và đất nước phát triển không phải là việc mà các đối tượng hải ngoại mong muốn. Họ chỉ muốn lợi dụng những khúc mắc nhỏ để xuyên tạc, bôi nhọ uy tín của công đoàn chính quyền, kích đông gây chia rẽ trong người dân để mong tạo ra bạo loạn và đổ nát.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều