+
Aa
-
like
comment

Hiện thực hóa khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”!

02/10/2019 16:24

Không điều gì có thể giấu nổi nhân dân, vì vậy cần phát huy vai trò của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân.

Để chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, gần đây nhiều văn bản, quy định, nghị quyết,… đã được ban hành và công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở đó, có những thông tin như vấn đề dân chủ, công khai trong bầu cử, công khai danh sách cán bộ được quy hoạch… không chỉ người dân rất mong chờ, mà vì các thế lực thù địch luôn nhắm đến vấn đề dân chủ-nhân quyền tuyên truyền, kích động nhân dân trước thềm Đại hội.

Vấn đề bầu cử, dân chủ trước thềm Đại hội XIII nhận được sự quan tâm của nhân dân
Vấn đề bầu cử, dân chủ trước thềm Đại hội XIII nhận được sự quan tâm của nhân dân

Thế lực thù địch luôn lợi dụng chiêu bài “dân chủ”

Từ lâu, các thế lực thù địch vẫn sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để xuyên tạc chế độ, chống phá cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Có điều, cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” mà các thế lực thù địch thường rêu rao, đâu phải dân chủ, nhân quyền theo đúng nội hàm của khái niệm này.

Nói vậy bởi vì quan niệm của phương Tây về lợi ích cá nhân và quan niệm của phương Đông về lợi ích của dân tộc, của cộng đồng là những quan niệm rất khác nhau và do vậy, không thể áp đặt cho nhau. Một số nước phương Tây đã và đang dùng chiêu bài quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Ở Việt Nam, những lực lượng, phần tử, tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng đối nghịch với chế độ, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước luôn xem dân chủ là cái bình phong, là một phương tiện. Vì thế, họ cứ viết bài chửi chủ nghĩa Marx, chửi Chủ tịch Hồ Chí Minh càng dữ dằn, bạt mạng thì càng được xưng tụng là “chiến sĩ dân chủ”.

Thậm chí, chỉ với một số đối tượng “nặn” ra một tuyên ngôn kêu gọi đa nguyên, đa đảng gửi lên mạng toàn cầu là đã có thể khai sinh cho một số tổ chức mệnh danh dân chủ. Nếu có làm gì tiếp thì ngoài việc ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác kết án chế độ xã hội chủ nghĩa, kêu gọi những ông này bà nọ trong chính giới Mỹ dạy cho Việt Nam một số bài học dân chủ và nhân quyền..v..v.

Tiếc rằng, nhân dân Việt Nam đã trải qua bao năm chiến tranh ròng rã, đã tốn biết bao xương máu để giành lại độc lập, tự do, dân chủ cho chính mình từ tay những kẻ xâm lược cùng bọn tay sai của chúng, không lẽ ngày nay lại dại dột trao lại quyền tự do, dân chủ cho chính những kẻ chiến bại và vẫn còn đang ôm hận thất bại ấy, để chúng quay trở lại tước quyền sống, quyền tự do, dân chủ của mình một lần nữa? Dĩ nhiên là không bao giờ, mãi mãi không bao giờ có chuyện đó!

Hiện thực hóa khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”!

Đảng cần phát huy vai trò “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, nhất là ở khâu công tác cán bộ

Thực tế, thời gian vừa qua công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều vấn đề. Nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Đáng nói, khi xử lý mới vỡ lẽ, nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc vào vị trí quan trọng.

Vì thế, việc ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng là đáp ứng yêu cầu bức thiết sau những vấn đề xảy ra vừa qua trong công tác quản lý cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện ủy viên Trung ương khóa XIII thì 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết, để đảng viên giám sát họ”.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Thông mới chỉ đúng được một nửa khi chỉ đề xuất “công khai để đảng viên biết” chứ không phải “nhân dân biết”. Vậy nhân dân có quyền được biết những vị đại biểu, công bộc đại diện cho mình, đại diện cho đất nước như thế nào? Năng lực, trình độ, phẩm chất ra sao không? Xin thưa, có!

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Hiến pháp 2013 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…”.

Tức là, cả Điều lệ Đảng và Hiến pháp đều quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” do vậy nếu chỉ cung cấp thông tin cho đảng viên thì có phải ông Lê Minh Thông muốn đặt “giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc” vào vị trí khác?

Mặt khác, nền dân chủ của Việt Nam đang được thực hiện thông qua Hiến pháp và pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Điều này cũng có nghĩa, việc đóng hay không đóng dấu mật về những bản danh sách quy hoạch cán bộ cấp chiến lược không phải là vấn đề. Bởi có đóng dấu mật đi nữa thì khi cán bộ đó trúng cử đại biểu, làm lãnh đạo ở một vị trí nào đó thì danh tính cũng được công khai sau đó.

Và cái dở nhất ở việc “đóng dấu” giấu dân biết là có những cán bộ được quy hoạch đó có năng lực không đảm bảo, đạo đức không tốt, không nhận được sự ủng hộ cao của quần chúng nhân dân. Thành thử, vấn đề “dân biết, dân bàn” rất quan trọng, nhất là lĩnh vực công tác cán bộ.

Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, liên tiếp hai vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội bị kỷ luật, bị miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội dù rằng khi ứng cử, danh sách của họ được niêm yết công khai và chắc chắn họ phải được “Hội nghị hiệp thương” thống nhất lựa chọn đại diện cho cử tri địa phương.

Hoặc tại Hà Nội, có người khá nổi tiếng lại trượt ngay từ vòng hiệp thương trong khi một nữ doanh nhân (dính nghi án bỏ tiền chạy chọt) lại trúng cử để rồi sau đó bị miễn nhiệm vì vi phạm pháp luật.

Cũng từ thực tế, trong hệ thống chính trị chúng ta bấy lâu nay nổi tiếng với thuật ngữ: “chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chỗ, chạy quyền, chạy chức, chạy luân chuyển, chạy huân chương và có cả chạy… tội”.  Với nhiều kiểu “chạy” như thế, một vài cơ quan chức năng liệu có đủ nhân sự để giám sát? Nên khi một người được quy hoạch mà xuất hiện các thông tin trái chiều nên được coi là bình thường, có khi lại là tốt nếu người đó tự giải trình, chứng minh được là mình trong sạch.

Đúng là, không có qui định buộc phải công khai minh bạch để cho “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Và người không muốn công khai minh bạch thường là người có quyền. Càng tù mù họ càng tồn tại lâu dài, nhất là những người luôn tìm cách tư lợi.

Thế nhưng,  nhân dân và đảng viên mong mỏi cơ chế chọn và giao nhiệm vụ cho người thực sự có đạo đức trong sáng chí công vô tư và có tài. Việc kiểm soát quyền lực không chỉ là kiểm soát từ trên xuống, từ dưới lên, kiểm soát từ trong ra mà phải phát huy việc kiểm soát từ ngoài vào, đó là kiểm soát từ nhân dân đối với cán bộ. Vì không điều gì có thể giấu nổi nhân dân, vì vậy cần phát huy vai trò của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, cần hiện thực hóa câu nói “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hơn nữa, đừng để câu nói đó chỉ đơn giản là khẩu hiệu.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều